Như vậy là, trong khi đi sâu tìm tòi về ngôn ngữ cổ, chúng ta đã tìm thấy
được không chỉ những từ, mà cả những ý nghĩ của tổ tiên ta. Con người tiền
sử sống ở trong một thế giới thần bí, huyền ảo tưởng rằng không phải chính
anh ta lao động hay đi săn bắn, mà là có một nhân vật bí ẩn nào đó đã sử
dụng anh như một công cụ để lao động, hay để giết con hươu. Ở thế giới đó
mọi vật đều phải tuân theo ý muốn của những lực lượng huyền bí.
Nhưng thời gian dần qua. Con người ngày càng cảm thấy sức mạnh của
mình được củng cố. Họ dần dần hiểu rõ hơn thế giới xung quanh cùng với vị
trí của bản thân mình ở trong thế giới đó. Và đại từ “tôi” đã xuất hiện trong
ngôn ngữ: cái “tôi” đó hành động, đấu tranh, khuất phục các sự vật và thiên
nhiên theo ý muốn của mình.
Người ta không còn nói: “Con hươu đã bị giết bằng bàn tay của người”,
mà nói thẳng là: “Người ta đã giết con hươu”. Tuy nhiên những vang bóng
của thời xưa thỉnh thoảng vẫn hãy còn sót lại trong ngôn ngữ của ta ngày nay.
Đến nay ta vẫn còn nói: “Số Trời đã định”, “Đó là số mệnh”.
Vậy ông Trời đó là ai? Số mệnh là gì?
Đó chính là cái sức mạnh huyền bí mà những người thời tiền sử xiết bao
sợ hãi.
Hiện nay danh từ “số mệnh” vẫn còn trong ngôn ngữ của chúng ta.
Nhưng ta có thể đoán trước được là một ngày kia danh từ đó sẽ biến đi.