Không phải chỉ là những dòng suối nhỏ, mà là những con sông rộng lớn
đã từ những băng hà đó chảy tràn lan ra khắp nơi. Có nhiều con sông như thế
hãy còn chảy đến tận ngày nay, cuốn theo ra biển tất cả nước của những con
suối, dòng thác và sông con đã nhập vào chúng trên đường chảy về xuôi.
Toàn bộ thiên nhiên bừng tỉnh dậy: một mùa xuân tràn ngập khắp nơi, và
những khu rừng rộng lớn lan đến bao phủ những đồng bằng miền bắc hoang
vu trước kia.
Nhưng mùa xuân không phải là đến ngay một lúc. Thường thường, sau
một ngày nắng ấm lại tiếp luôn một ngày giá rét và tuyết lại phủ trắng xóa
các mái nhà, tựa như chỉ mới là mùa xuân giả.
Xưa kia cũng vậy: mùa xuân kế tiếp thời kỳ các băng hà cũng không
chiếm ưu thế ngay một lúc: các băng hà lui bước chậm chạp, dường như miễn
cưỡng, có nơi băng hà còn tồn tại hàng mấy thế kỷ.
Cũng đôi khi băng hà rút lui một thời gian ngắn ngủi rồi lại quay lại tấn
công, tựa như đã hồi sức rồi. Cùng với băng hà, đài nguyên lại lan xuống
phương nam, đi theo là giống hươu Bắc Cực.
Thế là rêu và địa y lại đến thay thế cho cỏ; các giống ngựa và bò tót lại
rút về các miền đồng cỏ xanh tốt ở phương nam.
Cuộc đầu tranh giữa cái nóng và cái rét cứ giằng co khá lâu như thế,
nhưng cuối cùng thì cái nóng thắng thế.
Những dòng sông chảy xiết từ các băng tràn đi, và cái vỏ tuyết băng bắt
đầu thu hẹp dần mãi. Băng và đài nguyên lui về phương bắc. Ở những nơi
trước kia chỉ có rêu, địa y, vài khóm thông gầy guộc, nay đã mọc lên những
khu rừng rậm. những rừng cây to hàng bao nhiêu người ôm.
Thế rồi khí hậu nóng dần mãi lên. Ngày càng có nhiều cây bạch dương lá
xanh nhạt mọc xen vào các cây tùng bách lá xanh thẫm.
Sau đó là những cây sồi, cây bồ đề xuất hiện và chiếm ưu thế.