Thời kỳ của cây thông nhường chỗ cho thời kỳ của cây sồi, chúa tể mới
của núi rừng.
Mà rừng cây, giống như những ngôi nhà, cũng có những khách trọ quen
thuộc.
Cùng đi theo lên phương bắc với các loại cây có lá, có quả và các thứ
nấm, là những con thú ưa thích những thức ăn thực vật đó. Con lợn lòi dữ
tợn, con nai phương bắc, con bò rừng “ô-rốc”, con hươu với bộ sừng ngênh
ngang... xuất hiện. Trong rừng luôn luôn nghe thấy tiếng cành cây bị bẻ gãy
răng rắc: đó là các chú gấu xám tham ăn đi lùng mật ong. Bầy sói lao mình
đuổi bắt những con thỏ chạy trốn trên tấm thảm lá cây khô. Bọn hải ly đầu
tròn, đuôi dẹt, hì hục đắp đập ngăn các dòng suối. Dàn nhạc của các giống
chim ca hót líu lo trong rừng: cùng lúc đó, từng đàn thiên nga và ngỗng trời
đến chiếm lĩnh những hồ có nhiều bóng cây mát mẻ.
TÙ NHÂN CỦA BĂNG GIÁ
Tất nhiên con người không thể đóng vai khán giả thờ ơ trước những biến
động vĩ đại của tự nhiên như vậy. Thiên nhiên xung quanh luôn luôn biến đổi,
giống như thay cảnh trong một rạp hát. Song có điều là mỗi sự biến đổi của
tự nhiên phải qua hàng nghìn năm. Và sân khấu của vở kịch thiên nhiên đó
chiếm một diện tích hàng triệu ki-lô-mét vuông.
Trong cái vở diễn của thế giới ấy, con người không đóng vai là một khán
giả mà là một diễn viên thực sự.
Vì muốn tồn tại, con người cần phải thay đổi lối sống, thay đổi thói quen
cho phù hợp với mọi biến chuyển của khung cảnh bên ngoài.
Đi theo đài nguyên về phía nam là những con hươu phương bắc; giống
vật này gắn bó với các loài rêu và địa y bằng những mắt xích vô hình.
Và, nếu hươu phương bắc phải di cư về phía nam theo rêu và địa y để có
cái ăn, thì con người lại cũng di cư theo giống hươu phương bắc.