Cùng với sự giao lưu hàng hóa, kinh nghiệm và những phương pháp sản xuất
mới được phổ biến rộng dần từ nơi này sang nơi khác.
Trong sự trao đổi sản phẩm đó, người ta buộc phải dùng đến thứ ngôn
ngữ bằng cử chỉ, vì không phải là tất cả các bộ lạc đều cùng nói chung một
thứ tiếng. Những người khách lạ đến mua hàng, khi trở về đã mang theo được
một số tiếng mới và dần dần họ lại quen dùng. Cứ như thế mà các tiếng nói
dần dần pha trộn với nhau. Và cùng với các từ ngữ, các tư tưởng khác nhau
cũng giao lưu với nhau, vì ý và lời gắn liền mật thiết, không thể tách rời. Rồi
những vị thần xa lạ đến trị vì ở bàn thờ của gia đình. Những sự tín ngưỡng
phức tạp đó chính là nguồn gốc của các tôn giáo, sau này sẽ chinh phục cả
các dân tộc.
Những thiên thần đi từ nơi này sang nơi khác và luôn thay đổi tên gọi.
Nhưng xác minh nguồn gốc của những thiên thần đó cũng khá dễ dàng.
Ai nghiên cứu những tôn giáo thời cổ đại thì cũng dễ nhận ra là thần
Tam-mút của người Ba-bi-lon, thần O-di-rít của người Ai-cập và thần A-đô-
nít của người Hy-lạp chỉ là một mà thôi. Tất cả những tên gọi đó đều chỉ
cùng một vị thần - thần của những người cày ruộng đầu tiên, có phép chết đi
và sống lại mãi mãi.
Đôi khi chúng ta có thể chỉ trên bản đồ cuộc hành trình của các vị thần, ví
dụ: thần A-đô-nít đã từ Xi-ri và các nước khác có người Xê-mít cư trú, đến
Hy-lạp. Chính cái tên “A-đô-nít” đã nói lên điều đó. Trong ngôn ngữ của các
dân tộc này có nghĩa là “ngài”. Và người Hy-lạp không hiểu đã biến thành
tên riêng.
Quá trình trao đổi các hiện vật, các tiếng nói và các tín ngưỡng tiếp tục
không ngừng, nhưng không phải là lúc nào cũng diễn ra một cách hòa bình,
phẳng lặng. Nếu những “vị khách” có đủ sức để dùng võ lực cướp lấy các
thứ đồ đồng, lúa mì, vải vóc mà họ thèm muốn, thì họ cũng chẳng ngại ngần
gì mà không làm.