Cách suy nghĩ đó không phải chỉ thấy có ở Hy Lạp. Những truyền thuyết
về những người thợ rèn phù thủy thì ở nước nào cũng có.
Có một số từ đến nay còn dùng, chỉ rõ lối nhìn xưa cũ về những nguồn
gốc của sự giàu có và nghèo khổ. Người thời xưa không hiểu sự phân hóa xã
hội thành người giàu người nghèo đã diễn ra như thế nào; họ tưởng rằng số
mệnh mỗi người đều là do trời định đoạt.
Thí dụ: trong tiếng Nga, từ “bô-ga-tơ” (nghĩa là giàu có) nguồn gốc là ở
từ “bô-gơ” (nghĩa là trời). Đó là di tích của thời kỳ con người còn tin rằng
chính ông Trời đã che chở cho những người giàu có và gieo tai họa cho
những kẻ khốn cùng.
MỘT TRẬT TỰ XÃ HỘI MỚI BẮT ĐẦU
Chúng ta hãy thử ôn qua lại con đường dài dằng dặc mà loài người đã trải
qua.
Có một thời kỳ loài người không hề phân chia thành những kẻ giàu và
người nghèo, những ông chủ và người nô lệ.
Tất cả mọi người đi săn thời tiền sử đều đói khổ như nhau và sống trong
những túp lều một phần nằm sâu dưới đất. Những dụng cụ bằng đá và bằng
xương của họ còn hết sức thô sơ. Và sở dĩ họ vẫn có thể chống chọi được với
thú dữ, với đói và rét, chính là nhờ họ đã sống chung bên nhau, đi săn chung
với nhau, góp sức với nhau trong lao động cũng như khi đối phó với mọi sự
hiểm nghèo.
Một người đi săn đơn độc chắc chắn không thể nào đủ sức giết nổi con
gấu, còn nói chi đến việc giết voi ma-mút!
Một mình anh ta làm sao mà vần nổi những tảng đá nặng để làm nền nhà
tường che và làm bếp đốt lửa?
Thời nguyên thủy đó, tất cả mọi thứ của đều là của chung. Mỗi buổi đi
săn về, các cụ già chặt các con thú săn được thành những phần đều nhau, chia