“thùng” sống hẳn hoi. Trong những hầm tối dưới đất ấy treo lủng lẳng từng
hàng rất sít những cái “thùng” giống nhau. Những cái “thùng” này tưởng
chừng như không động đậy.
Nhưng ta hãy theo dõi một con kiến vừa bước vào hầm, nó lấy râu gãi gãi
vài cái vào cái “thùng”, cái “thùng” liền bắt đầu động đậy.
Hóa ra cái “thùng” ấy có cả một cái đầu, một cái mình và chân. Chính nó
là một con kiến bụng to phình ghê gớm, treo mình ở trần hầm. Nó hé hai hàm
răng, để chảy ra một giọt mật ngọt. Con kiến thợ đến đây để bồi dưỡng sức
lực liền hút luôn giọt mật kia rồi trở về tiếp tục làm việc.
Còn chú kiến chứa mật lại tiếp tục ngủ say bên cạnh các thùng sống chứa
mật khác.
Các dụng cụ của giống kiến đều là những bộ phận thân thể của con kiến
còn sống. Chúng không thể tùy ý cầm lấy hay vứt bỏ những dụng cụ đó như
con người thường làm được.
Đối với giống hải ly cũng vậy. Chúng chặt cây bằng răng chứ không phải
bằng rìu.
Thế là chúng cũng như giống kiến, không thể tự chế tạo ra công cụ để
dùng được. Cả hai giống vật đó đã mang sẵn công cụ trên người ngay từ khi
mới sinh ra.
Lại lấy thí dụ con chim tước mỏ tréo.
Đến bữa ăn, nó chẳng cần đến dao, dĩa gì cả. Nó có một cái kìm đặc biệt
để ghè vỡ các quả thông lấy hạt ăn. Nó chẳng bao giờ chịu rời bỏ cái “dụng
cụ nhà ăn” đó, vì một lý do đơn giản nào. Chiếc kìm đó chính là cái mỏ của
con chim.
Mỏ chim tước mỏ tréo dùng để mở quả thông rất tốt, chẳng kém gì cái
búa để đập hạt dẻ hay cái dùi để mở nút chai.
Chỉ khác là dụng cụ của con người thì do người chế tạo ra tùy theo công
việc phải làm, còn con chim tước mỏ tréo thì phải tự thích ứng với cuộc sống