- Hành động cái nỗi gì, lũ ngốc, - Nowosadecki nói - đây là chai cuối
cùng rồi.
Con sông
Dòng sông hung dữ, chẳng mấy ai dám bơi qua, thậm chí là bằng thuyền.
Dẫu vậy vẫn thấy có nhiều người bạo gan, bởi lẽ, bờ bên kia, chính vì khó tới
mà có sức cuốn hút mọi người, cho dù cũng chỉ những kẻ can đảm nhất mới
dám vượt sông. Những ai không có gan mạo hiểm thì ngồi trên bờ sông, thở
dài: “Bây giờ mà sang được bờ bên thì sướng biết mấy...”
Mỗi khi thấy có một kẻ bạo gan chìm xuống thì người ta lắc đầu thương
xót nhưng trong thâm tâm thì lấy làm mừng, vì lại thêm một người nữa cho
thấy không thể nào bơi nổi qua sông, và như vậy họ đã có lý khi không xa rời
bờ sông bên phía làng mình.
Dân chúng lấy làm tự hào về những người quả cảm, người ta bèn dựng
một bức tượng tưởng niệm ở chỗ bờ sông cao nhất:
Vinh quang thay những người dám vượt sông!
Thế rồi, từ năm nọ sông bắt đầu cạn nước. Mỗi năm càng cạn thêm,
chẳng bao lâu chỗ từng là vực sâu và nước xoáy dữ tợn không qua nổi, nay
chỉ còn là những vũng nông, nơi trẻ con lội nước và vịt đàn bơi lặn. Bức
tượng trở nên khó xử, vì bây giờ ai cũng có thể qua sông vào bất kì lúc nào
mình thích, sang bờ bên kia rồi lại quay về. Qua sông, dạo chơi từ bờ nọ sang
bờ kia ngon lành, thậm chí đang say cũng sang được.
Bây giờ xử lý bức tượng thế nào đây? Dĩ nhiên là có thể phá đi, nhưng
làm vậy lại thêm tốn kém, chưa kể việc dựng bức tượng này cũng là một
khoản đầu tư khá lớn. Xã không có ý định ném tiền qua cửa sổ. Thay đổi
dòng chữ là cách làm rẻ hơn cả. Và thế là người ta đã xóa “Vinh quang thay