Tượng nhà phân tâm học
Đại hội các nhà phân tâm học toàn thế giới đã thông qua quyết nghị dựng
tượng Zygmunt Freud
, người sáng lập môn phân tâm học. Phương án đầu
tiên dự kiến tượng Freud sẽ to như thật, bằng đá hoa cương hoặc bằng đồng
đỏ, cùng hai người đàn bà làm biểu tượng. Người đàn bà thứ nhất là biểu
tượng của tiềm thức, ngồi trên đùi trái của nhà phân tâm học; còn người đàn
bà thứ hai, tức ý thức, trên đùi phải của ngài.
Còn một điều phân vân, cho hai tay của Freud làm gì đây? Không nói tay
phải, bởi đương nhiên là tay phải của ngài phải đặt lên đầu nàng Ý Thức.
Nhưng tay trái đặt vào đâu? Việc cho tay trái của ngài đặt lên đầu nàng Tiềm
Thức có nhiều ý kiến không nhất trí.
Nhưng rồi một vấn đề quan trọng hơn đã khiến người ta gác chuyện
không nhất trí nói trên lại và để bàn sau. Đó là, trong quần thể tượng đài thiếu
hẳn biểu tượng của siêu ý thức. Bởi lẽ Freud không thể có tới ba chân, nên
người ta đã đặt người đàn bà là biểu tượng của siêu ý thức đứng sau lưng
ngài.
Tuy nhiên, vị trí thống soái của siêu ý thức, cho dù chỉ đúng về mặt khoa
học (Siêu ý thức phải chiếm ưu thế đối với ý thức và tiềm thức) đã lưu ý các
nhà phê bình rằng, bản thiết kế không phân biệt rành rọt giữa ý thức và tiềm
thức. Cả hai người đàn bà biểu tượng này ngồi ngang bằng nhau, mỗi người
trên một đùi của nhà phân tâm học.
Cho nên người đàn bà biểu tượng của tiềm thức đã được chuyển từ đùi
Freud xuống ngồi chỗ bàn chân ngài.
Bây giờ thì mọi cái đã đúng thứ tự cần có. Nàng Tiềm Thức ngồi nơi bàn
chân nhà bác học, đúng vị trí của mình, trên nữa là nàng Ý Thức, còn nàng
Siêu Ý Thức cao hơn cả. Phương án này loại trừ được vấn đề, tay trái, tức
cánh tay phía nàng Tiềm Thức của Freud làm gì.