hoa hồng lên anh, vào bên trong sân, anh nhấc tấm khăn đội đầu lên và bước
lên chiếc bục đặt giữa sân, ngồi xuống. Khách mời lần lượt tiến đến bên
cạnh, lấy tiền huơ một vòng trên đầu anh rồi đưa ra, các cô em gái đứng bên
cạnh liền nhận lấy. Ông Abdull và những người già ở mosque giơ hai tay ra
bắt đầu nhảy theo điệu nhạc. Những bạn trẻ người Pakistan, các cô em gái
và cả chị Luna cùng tiến ra giữa kết thành vòng tròn và bắt đầu nhảy múa.
“Chú rể tuyệt vời như công, cô dâu đẹp hơn hoa.”
“Xin Thánh Allah chúc phúc cho hai người.”
Mọi người vừa hát vừa nhảy múa rồi tới nhét kẹo vào miệng tôi dù tôi có
cố tránh né đi chăng nữa. Tất cả đều là nghi lễ nên cứ sau mỗi lần nhảy chúc
mừng, mọi người lại ngồi xung quanh bàn ăn đã đặt sẵn ở sân dùng những
món đã được chuẩn bị sẵn. Ai nấy đều giục cô dâu cùng chung vui, Ali bèn
vén tấm khăn che mặt tôi ra, một cách rất tự nhiên tôi quấn nó lên đầu như
khăn Hijab.
Với những người không theo đạo Hồi nếu thiếu rượu sẽ kém vui nên
chúng tôi đã chuẩn bị bia. Chú Thanh đứng lên phát biểu ngắn, chú Rhu
cũng đứng lên nói lời chúc mừng nhưng đột nhiên xúc động, nghẹn ngào
không sao cất lời được đành trở về chỗ ngồi, nước mắt rưng rưng. Mặc dù
chú không nói ra nhưng tôi cũng biết chú đang nghĩ về cô con gái bị bỏ lại ở
quê hương.
Ngày hôm sau là lễ cưới chính thức Baraat ở Leeds nên tôi, Ali cùng chị
Luna, hai cô em gái và ông Abdull khởi hành sớm trên chiếc xe mượn từ
công ty Ali.
Khi chúng tôi tiến vào khu Hồi giáo thì nhận ra mọi người đang đợi. Anh
chị em của Ali đều đã tụ họp đông đủ, bố mẹ, họ hàng, bạn bè cùng những
người trong khu, những tín đồ đạo Hồi cũng đã lên tới gần trăm người. Bố
mẹ Ali đã nhờ hàng xóm dựng rạp cho khách mời, còn trên sân thượng là
chỗ dành cho họ hàng, người thân.