Bố thốt lên một câu rồi quay về phía khu vườn trái cây, lặng lẽ bỏ đi.
Chúng tôi đã đứng cạnh nhau nhìn qua các lùm cây, chẳng trông thấy bất cứ
bóng người nào ở bất cứ đâu trên sườn núi hay cánh đồng phía dân tộc
Chosun bên kia sông. Không biết bố mắng ai nhỉ?
Vào cuối năm tuyết phủ trắng xóa trên ngọn núi phía xa và đóng băng
cứng ngắc, mỗi đêm con Chinsung lại sủa dài hơi hơn. Chẳng hiểu do đứa
con gái cứ nhõng nhẽo đòi hay thỉnh thoảng có thú hoang trên núi xuống mà
cô chủ nhà nói với bà tôi để cho Chinsung sống ở cái ổ trong một góc sân
của nhà đó. Chinsung cũng muốn về với chúng tôi nhưng bị xích lại nên
không biết làm thế nào. Chúng tôi cũng không tiếc lắm vì lúc nào nhớ nó
cũng có thể băng qua vườn trái cây tới sân nhà đó để gặp, Chinsung với cái
tai vểnh hết ra đằng sau vẫy đuôi rối rít mừng.
“Không hiểu sao dạo này nó lại sủa ghê như vậy khiến nhà cháu không
thể ngủ được.”
Đứa cháu gái nhà đó nói vậy và bà nội nó cũng chêm vào:
“Những người Chosun bỏ trốn túm năm tụ ba đi với nhau, còn trộm cả
lương thực và tương nữa đấy.”
Tôi và chị Hiền cứ đến đêm là ngủ say đến mức ma có cõng đi cũng
chẳng biết, nhưng có lẽ bà tôi cũng biết cả chuyện đó thì phải.
“Tôi cũng thấy rồi. Trong hai ngày liền tôi thấy một đôi vợ chồng vác con
trên cổ, lưng cõng con phía dưới rừng kia. Nghe thấy cả tiếng bước chân
người lao xao trong đêm nữa.”
Chuyện những người Chosun đói khát đi kiếm cái ăn lạc lối nơi biên giới
ngày nào cũng có trong các làng ven sông, nghe tin có cả người chết ở
Nampyong nữa. Chúng tôi còn nghe thấy cả chuyện phát hiện thấy những
người Chosun chết đói, chết rét trong các nhà kho của nông dân hay khu
rừng ven sông. Nhưng việc cả gia đình bị giết trong nhà ven làng người
Trung Quốc thì đây là lần đầu tiên. Công an Trung Quốc truy tìm khắp các
vùng núi quanh đó và bắt đầu điều tra từng hộ. Nhiều người Chosun đang ở