hơ hơ, cũng chẳng rên rỉ mà tạo ra một âm thanh rất lạ. Bố lấy ở đâu được
cái áo trấn thủ mùa đông có mấy chỗ rách lòi cả bông ra, cùng đôi giày há
hết mõm như mõm chó. Bà tôi vội vàng đi ra ngăn bếp được đậy tạm bằng
tấm gỗ, nấu cơm rồi bưng vào nồi canh tương nấu với khoai tây và món rau
trộn sẵn. Không biết bao lâu rồi gia đình chúng tôi mới được quây quần ăn
sáng bên nhau như thế này. Mặc dù chỉ có bố tôi trở lại nhưng dường như
chúng tôi đã tìm lại được nhà. Giờ đây chắc chắn bố sẽ bảo vệ cho chúng tôi
một cách an toàn.
“Ôi, ôi, cơm đây mà.”
Bố tôi cắm đũa vào bát cơm đầy cảm kích, tôi vội vàng khoe:
“Ở đây ngày nào chúng con cũng ăn cơm này.”
Lúc đó bà, tôi cùng chị Hiền có phần sửng sốt. Bố không hề nói một câu
hay tỏ thái độ bảo chúng tôi ăn cơm mà đặt bát cơm gần nồi canh tương rồi
đổ khoảng một nửa nồi vào bát cơm và bắt đầu và lấy và để. Mái đầu cắm
gằm xuống bát cơm của bố chỉ còn mấy cọng tóc lơ thơ nhìn thấy rõ cả sọ,
giờ đây màu tóc xám hầu như đã chuyển sang trắng. Bà tôi cầm đũa, ngồi
ngây người ra rồi nói với chúng tôi:
“Các cháu cũng ăn đi, mình ăn cơm đi nào.”
Tôi cảm thấy bố đã thay đổi rất nhiều. Ông hầu như không nói năng gì,
sau này bà tôi nói bằng giọng đẫm nước mắt rằng nơi lao động cách mạng
hóa đã làm thay đổi bố tôi. Bố tôi ngày nào cũng chỉ ngủ và ngủ say như
chết. Đêm cũng như ngày, ông nằm quay lưng lại ở tận góc trong của cái
kho và ngủ, đến bữa thì dậy ăn cơm và lại lăn ra ngủ tiếp. Sự việc tiếp diễn
như vậy đến nửa tháng thì hình như ông mới tỉnh người và đi lại quanh kho
giúp bà tôi nấu nướng hay ra ngoài vườn kiếm củi mang về. Có lần tôi cùng
bố đi qua đường lớn tới tận khu rừng nhìn xuống sông Duman, bố nhìn rất
lâu về phía ngôi làng ven cánh đồng lè tè như những cụm nấm xám và khu
đồi trọc phía bên kia sông.
“Bọn chó chết!”