chú Mikuri là anh, có vẻ như hai người biết rõ nhau từ trước. Sau này nghe
kể lại mới biết chú chủ nhà hồi còn thanh niên đã từng làm trong nhà hàng
phía trước văn phòng mà chú Mikuri làm việc.
Chúng tôi quyết định dọn căn nhà kho nhỏ của họ ở cuối vườn để tá túc.
Trong kho chứa đầy các thùng đựng trái cây, nông cụ như cày cuốc, nhưng
chú Mikuri và chủ nhà đã đẩy chúng vào một xó, trải nilon và chăn phía
trước làm phòng cho chúng tôi.
“Anh ấy chắc chắn sẽ tìm đến đây. Tôi đã nói với người quen đáng tin cậy
ở Musan rồi nên bà không phải lo lắng gì cả. Còn có tin cháu Mĩ đã vượt
sông nên tôi nhất định sẽ tìm ra. Hy vọng nó sẽ không phải khổ cực mấy.”
Chú Mikuri dặn dò như vậy rồi ra đi. Đứa con gái nhà chủ nhìn thấy con
Chinsung thì vô cùng thích thú. Nhìn thấy nó ôm cổ con Chinsung không rời
khiến tôi phát ghen lên. Không biết có phải vì sự có mặt của Chinsung giúp
canh chừng các loài động vật hoang dã như thỏ hay lợn lòi xuống phá cây
hay không mà cứ mỗi sáng cả nhà họ đều gióng giả gọi “Chinsung à,
Chinsung ơi”, y như chúng tôi từng gọi nó.
Cho tới đầu đông, chúng tôi sống tạm bằng lương thực mang theo cùng ít
tiền Trung Quốc chú Mikuri để lại. Bà và tôi giúp việc thu hoạch vụ thu cho
chủ nhà, nhận công bằng gạo trộn. Vào một buổi trời sâm sẩm tối có tuyết
rơi đầu mùa, một người nông dân dân tộc Chosun đang sống ở làng bên cạnh
tìm đến. Ông ta ghi lại tên và địa chỉ của chủ nhà rồi nói rằng có người đàn
ông Bắc Hàn nào đó tìm tới nhà ông ta. Bà tôi khóc toáng lên và vỗ vỗ hai
tay.
“Ôi giời ơi, rõ ràng là con trai tôi rồi.”
Do đêm đã muộn nên sáng sớm hôm sau đích thân chú chủ nhà tìm tới
làng bên cạnh. Làm thế nào diễn tả được hết cảm xúc của tôi khi nhìn thấy
bố tôi xuất hiện với cái dáng hơi gù lêu đêu quen thuộc đi tắt qua giữa các
lùm cây của khu vườn phủ đầy bông tuyết? Bà, tôi và chị Hiền dắt díu nhau
chạy ào đến bên bố tôi. Ông đã yếu đi nhiều so với trước đây, tựa như cánh
cửa dán giấy có thể đổ nhào về phía sau bất cứ lúc nào. Bố tôi không cười