chính là con. Về phần bố, con và mọi người đã làm bố đau khổ tới mức
trong lòng bố không còn biết đến đau đớn nữa rồi, con có thể hiểu được
điều đó không? Không còn đau chút nào. Bố biết là con đang cố, nhưng con
sẽ chẳng bao giờ có thể làm bố đau khổ hơn những gì bố đã phải chịu đựng
đâu. Không cần phải tự hành hạ bản thân như thế. Chỉ cần nói cho bố biết
đêm hôm đó con ở đâu.”
“…”
Yeruldelgger thở dài rồi đặt lên bàn thẩm vấn nhỏ một cuốn sách ông đã
mượn ở Trung tâm Văn hóa Pháp lúc tới đó tìm hiểu tài liệu cùng Solongo.
Ông mở một trang đúp ra. Trên đó là ảnh đống xác người chỉ còn da bọc
xương bị xếp chồng chất trên các sân của trại tập trung Dachau ở Đức dưới
chế độ Quốc xã. Yeruldelgger máy móc giở qua các trang, mắt không rời
Saraa. Trên một bức ảnh khác cũng là những thân hình gầy trơ xương và
trần truồng, dưới trời tuyết rơi, như bóng ma đã mất hết ngượng ngập đang
xếp hàng đi tới các phòng hơi ngạt. Còn những bức ảnh khác nữa mà người
ta còn không thể nói chắc là chụp xác chết hay người còn sống. Ở mỗi
trang, Yeruldelgger lại nói nội dung chú thích ảnh theo trí nhớ. Saraa cố
gắng bướng bỉnh nhìn lên trần nhà, nhưng những lời nói đều đều không
ngừng của cha cuối cùng cũng khiến cô gái hạ mắt nhìn xuống các bức ảnh.
Cô không để lộ ra bất cứ cảm xúc nào, dầu vậy cũng không thể rời mắt khỏi
những gì đang thấy.
“Cái gã khốn kiếp con đã ngủ cùng, hay giả vờ đã ngủ cùng để bảo vệ
hắn, luôn khoác lên người bộ đồng phục của kẻ đã nghĩ ra, ra lệnh và tổ
chức thực hiện tất cả những chuyện này, Saraa ạ. Tên độc tài điên dại mà
hắn ngưỡng mộ đến thế và muốn được là gã tới mức mượn luôn cả tên đã
không chỉ đẩy thế giới vào một cuộc chiến tranh khiến sáu mươi lăm triệu
người chết, mà hắn còn quyết định, chỉ vì thù hận, tiêu diệt sáu triệu con
người, đàn ông, phụ nữ, người già và trẻ con. Họ chính là những người con
thấy trong các bức ảnh này.”
Rồi ông bày ảnh chụp hai hiện trường vụ án, ba người đàn ông Trung
Quốc và hai cô gái bị treo cổ, cạo trọc đầu lên trên bức ảnh cuối cùng chụp