Kể từ đó, mỗi buổi sáng, luôn có trà Nepal nóng và một ít bánh quy đường
thơm ngon, bày trên một chiếc đĩa bằng sứ.
Anh Kishan đến cổng vào Chủ nhật hôm ấy và nghe được tin từ tôi. Tôi cứ
ngỡ anh đến để xài xể tôi vì cái tội bỏ làng đi đột ngột, nhưng không ngờ
anh lại sung sướng quá đỗi - nước mắt anh chảy đầm đìa. Vậy là gia đình
anh sắp có người thoát khỏi Bóng tối để đến New Delhi!
“Thật đúng với những gì mẹ luôn nói. Mẹ biết em sẽ làm được.”
Hai ngày sau, tôi lái xe chở ông Ashok, Cầy Mangut và bà Pinky đến Delhi
trên chiếc Honda City. Không khó tìm đường đi - tôi chỉ cần theo sau những
chiếc xe buýt. Vì xe buýt và xe jeep chạy đầy đường - muốn nổ tung với
hành khách chen chúc bên trong, đeo bám ngoài cửa xe, thậm chí ngồi cả
trên nóc. Tất cả họ đều đi từ Bóng tối đến Delhi. Ngài trông mà cứ ngỡ cả
thế giới đang di cư.
Mỗi lần vượt qua một chiếc xe buýt thế này, tôi lại mỉm cười khoái trá; tôi
ước gì mình có thể hạ kính xe xuống và hét lên với họ, Tao đang đến Delhi
bằng ô tô đây này - ô tô có điều hòa hẳn hoi nhá!
Nhưng tôi chắc họ nhìn thấy ngôn từ trong mắt tôi.
Tầm buổi trưa, ông Ashok vỗ vai tôi. Ngay từ đầu, thưa ngài, tôi đã có một
cách hiểu điều ông ấy muốn nói, y như cách mà chó hiểu chủ. Tôi dừng xe,
rồi dịch sang trái, còn ông nhích sang phải, hai cơ thể chúng tôi lướt qua
nhau (gần đến nỗi lớp râu lởm chởm trên mặt ông ấy cạ vào má tôi như
chiếc bàn chải cạo râu tôi dùng mỗi sáng, và mùi nước hoa từ da thịt ông ấy
- một mùi hương hoa quả nồng nàn đáng yêu - xộc vào mũi tôi trong một
tích tắc, trong khi mùi mồ hôi đầy tớ của tôi chà xát lên mặt ông ấy), và sau
đó ông trở thành tài xế còn tôi biến thành hành khách.
Ông nổ máy xe.
Cầy Mangut, mải đọc báo từ đầu buổi, giờ trông thấy chuyện gì đã xảy ra.