LỜI DỊCH GIẢ
Sự kiện tiểu thuyết Cọp Trắng đoạt giải thưởng văn học Man Booker 2008
đã làm xôn xao văn đàn thế giới lúc bấy giờ. Bởi trong các đề cử chung
khảo, tác phẩm đầu tay này của Aravind Adiga, một nhà báo Ấn Độ 33 tuổi,
không được xem là ứng viên nặng ký.
Cọp Trắng kể về quá trình lập nghiệp của Balram Halwai, con trai người
phu xe đến từ một làng quê nghèo khổ ở Ấn Độ, trình bày dưới hình thức
một lá thư viết trong bảy đêm gửi thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Đó là
câu chuyện của cậu bé bị buộc phải nghỉ học để đi làm ở quán trà, rồi trở
thành tài xế cho con trai một địa chủ và sau đó thành một doanh nhân thành
đạt tại Bangalore.
Hành trình của Balram dẫn dắt người đọc đi qua hai Ấn Độ, một Ấn Độ của
Ánh sáng, và một Ấn Độ của Bóng tối. Một bên là thế giới của những người
thuộc giai cấp thượng lưu, sống trong những căn hộ cao cấp và giải trí bằng
những thú tiêu khiển xa xỉ. Bên kia là thế giới của những kẻ bần cùng bị
khước từ các điều kiện sống cơ bản nhất. Balram lớn lên từ Ấn Độ của
Bóng tối, nhưng không cam tâm sống cuộc đời nghèo khổ để rồi cuối đời
thổ huyết mà chết như bố mình. Kẻ được một viên thanh tra giáo dục đặt
cho biệt danh “Cọp trắng” đã chứng tỏ mình xứng đáng với tên gọi của
“loài vật trong rừng mà mỗi thế hệ chỉ có một con”. Con cọp trắng Balram
tinh ranh quỷ quái không trừ một thủ đoạn nào, kể cả giết người, để chạm
đến và leo lên vầng hào quang Ánh sáng.
Ấn Độ qua giọng kể của Balram là một xã hội trần trụi đầy rẫy bất công. Ở
đó, hệ thống giai cấp đã tạo ra chiếc “Chuồng gà” giam hãm những người
thấp cổ bé miệng hết đời này qua đời khác. Ở đó, luật pháp bị thay thế bởi
những luật lệ nhuốm mùi tiền. Và điều gì sẽ xảy ra khi một ngày, kẻ trong
“Chuồng gà” như Balram phá cũi sổ lồng? Đó chính là điều tác giả Aravind
Adiga lo sợ. “Tôi ngày càng tin rằng hệ thống chủ-tớ, viên đá tảng của đời