bắt kịp người Trung Quốc được?”
(Nhân tiện đây, thưa ngài Gia Bảo - một tá đường vành đai á? Wow.)
Ánh đèn đường nhợt nhạt chiếu xuống vỉa hè ở hai bên làn xe; và trong thứ
ánh sáng lờ mờ màu cam ấy, tôi có thể nhìn thấy vô số những con người bé
nhỏ, gầy gò, cáu bẩn đang ngồi xổm, chờ xe buýt đến đưa đi đâu đấy, hoặc
không có nơi nào để đi và đang sửa soạn trải một tấm chiếu ra ngủ ngay tại
đó. Những kẻ bần cùng khốn nạn này đã từ Bóng tối đến Delhi để tìm chút
ánh sáng - nhưng họ vẫn chìm trong tăm tối. Dường như có hàng trăm kẻ
như thế ở hai bên làn xe, cuộc sống của họ không mảy may bị ảnh hưởng
bởi chuyện tắc đường. Biết đâu họ còn không nhận thức được rằng đang có
một vụ tắc đường ấy chứ. Chúng tôi như hai thành phố riêng biệt - bên
trong và bên ngoài quả trứng đen. Tôi biết tôi đang có mặt ở một nơi nên
đến. Nhưng bố tôi, nếu còn sống, sẽ ngồi ở vỉa hè đó, nấu ít cháo suông cho
bữa tối, rồi sửa soạn nằm xuống ngủ dưới một ngọn đèn đường. Tôi không
thể thôi mường tượng đến điều đó và nhận ra dáng hình ông trong người ăn
xin nào đó ngoài kia. Vậy là tôi, theo một cách nào đó, cũng đang ở bên
ngoài chiếc xe, dù tôi đang lái nó.
Sau một giờ vật lộn qua đám tắc đường, chúng tôi cuối cùng cũng về đến
nhà ở Buckingham Dãy B. Nhưng sự tra tấn chưa hết.
Khi bước ra khỏi xe, Cầy Mangut sờ tay vào túi, trông thoáng bối rối, rồi
nói, “Tao mất một rupee.”
Ông ta búng ngón tay về phía tôi.
“Quỳ xuống. Tìm nó trên sàn xe.”
Tôi quỳ xuống. Tôi đánh hơi giữa những tấm thảm như con chó, chỉ để tìm
đồng một rupee đó.
“Mày nói nó không có đấy là sao? Đừng tưởng vào thành phố rồi thì mày
có thể ăn cắp của bọn tao. Tao muốn lấy lại đồng rupee đó.”