những chiếc túi chứa đầy kim cương đã cắt để giao cho một người nào đó ở
Mumbai. Tại sao người đầy tớ không lấy chiếc túi đầy kim cương ấy? Y
đâu phải là Gandhi, y cũng là người, cũng giống ngài và tôi. Nhưng y lại ở
trong Chuồng Gà. Độ tin cậy của đầy tớ chính là nền tảng của toàn bộ nền
kinh tế Ấn Độ.
Chiếc Chuồng Gà Ấn Độ Vĩ Đại. Ở Trung Quốc ngài cũng có thứ tương tự
như thế chứ? Tôi nghi ngờ lắm đấy, ngài Gia Bảo. Ở đây, tại Ấn Độ, chúng
tôi không có chế độ độc tài. Không có cảnh sát chìm.
Đó là vì chúng tôi có chuồng gà.
Chưa bao giờ trong lịch sử loài người lại có chuyện một nhóm ít ỏi nợ quá
nhiều với nhiều người như thế, thưa ngài Gia Bảo. Một nhúm người trong
đất nước này đã huấn luyện cho 99,9% người còn lại - những kẻ khỏe
mạnh, tài năng và thông minh trên mọi phương diện - tồn tại trong tình
trạng nô lệ vĩnh viễn; một sự nô dịch kiên cố đến nỗi ngài có thể đặt chiếc
chìa khóa giải thoát vào tay của một người và y sẽ ném trả lại ngài kèm một
lời nguyền rủa.
Ngài phải đến đây và tận mắt chứng kiến thì mới tin được. Hằng ngày hàng
triệu con người thức dậy lúc bình minh - đứng trong những chiếc xe buýt
bẩn thỉu, chật chội - xuống xe ở ngôi nhà bóng lộn của chủ họ - rồi sau đó
lau nhà, rửa bát, trồng cây, cho trẻ con ăn, bóp chân cho chủ - tất cả chỉ để
đổi lại một khoản lương còm. Tôi sẽ không bao giờ ganh tỵ với người giàu
ở Mỹ hoặc Anh, thưa ngài Gia Bảo: họ chẳng có tôi tớ gì ở đấy cả. Họ thậm
chí còn không biết bắt đầu nhận ra thế nào là một cuộc sống tốt đẹp.
Bây giờ, là một người biết tư duy như ngài, ngài Gia Bảo, phải hỏi hai điều.
Tại sao Chuồng Gà có tác dụng? Làm sao mà nó nhốt được hàng triệu
người đàn ông, đàn bà hiệu quả đến vậy?
Thứ hai, người ta có thể thoát khỏi chuồng không? Sẽ ra sao nếu một ngày,
chẳng hạn, một tài xế lấy tiền của chủ mình rồi bỏ trốn? Cuộc sống của y sẽ