chính mình. Rồi hắn lại cho chai rượu vào hộp giấy bồi và trở về nhà, tôi đi
theo sau, hãy còn hoa cả mắt vì nhìn thấy quá nhiều rượu Anh.
Buổi tối, khi Ram Persad ngáy ầm ầm trên giường, tôi nằm trên sàn gối đầu
lên hai bàn tay.
Tôi nhìn chằm chằm lên trần nhà.
Và suy nghĩ làm sao mà hai con trai của lão Cò lại khác nhau một trời một
vực như ngày với đêm.
Ngài Mukesh là một người nhỏ bé, đen nhẻm, xấu xí, và cực kì khôn ngoan.
Lúc còn ở nhà chúng tôi hay gọi ông ta sau lưng là “Cầy Mangut”. Ông ta
kết hôn đã vài năm với một người vợ chất phác đang béo lên từng ngày sau
khi sinh hai đứa con, đều là trai. Ông “Cầy Mangut” này không thừa hưởng
thân hình - nhưng lại thừa hưởng đầu óc của ông bố. Hễ thấy tôi rảnh tay
một chút là ông ta lại quát, “Tài xế, đừng la cà ở đó làm gì! Lau xe đi.”
“Lau rồi thưa ông.”
“Vậy thì lấy chổi quét sân đi.”
Ông Ashok thừa hưởng thân hình của bố; ông ấy cao, to và đẹp trai, ra dáng
con trai địa chủ. Vào buổi tối, tôi thấy ông chơi cầu lông với vợ trong trang
viên. Bà ấy mặc quần; tôi há hốc mồm. Trước đấy có ai nhìn thấy phụ nữ
mặc quần bao giờ - trừ trong phim ảnh? Thoạt đầu tôi cứ ngỡ bà là người
Mỹ, một trong những thứ kì diệu mà ông Ashok đem về từ New York, như
giọng nói và nước hoa hương hoa quả mà ông thoa lên mặt sau khi cạo râu.
Hai ngày sau, Ram Persad và ông già người Nepal mắt xếch đứng buôn
chuyện với nhau. Tôi cầm chổi, bắt đầu quét sân rồi tiến gần hơn, gần hơn
đến họ.
“Bà ấy theo đạo Cơ Đốc, mày biết không?”
“Không đời nào.”