nhiều người có thể làm được. Trong tính cách và năng lực của những con
người khiêm nhường, bề ngoài có vẻ bình thường ấy đột nhiên bộc lộ nhiều
khả năng đến mức họ trở thành những người lãnh đạo tiến lên phía trước và
dẫn dắt những người khác đi theo mình. Cả Cô-xchi-a Lùn cũng là một con
người như vậy.
Sáng tạo hình tượng đáng ghi nhớ về người công nhân – thiếu niên phải
đứng máy và sản xuất các phụ tùng làm vũ khí bởi vì những người lớn đã ra
đi chiến đấu, nhà văn đồng thời đã mở rộng trước bạn đọc cuộc sống và
công việc của một nhà máy quân sự lớn – một cuộc sống gian khổ, căng
thẳng, sôi động cùng nhịp thở với mặt trận. Trong một cuốn truyện vừa
khác của mình, cuốn “Tảng đá xanh”, I. Lích-xta-nốp đã miêu tả một hoàn
cảnh dữ dội khi mà “trong các hội trường của các câu lạc bộ máy móc kêu
ầm ầm, trên các thảm cỏ là các đống phoi, và phoi bào thép lấp lánh tua
tủa”. Trên các nẻo đường “những cỗ xe kéo kéo đi hàng loạt đại bác chỉ
vừa mới xuất xưởng, những chiếc xe tải chở bom đựng trong những hòm
đan lưới mắt cáo và rồi những chiếc xe tăng với những mối hàn điện mạn
thành xe còn mới tinh cũng đã chạy đi”.
Đó chính là vào năm kết thúc bằng chiến trận Xta-lin-grát.
Lích-xta-nốp hiểu rõ và yêu cuồng nhiệt U-ran – vùng đất lạ thường ấy,
nơi “hòa trộn hơi thở của một nền công nghiệp lớn với thiên nhiên”, yêu
nồng nhiệt những con người quả cảm của vùng đất ấy.
Lích-xta-nốp sinh ra ở U-cra-i-na, tại thành phố Xu-mư năm 1900. Cha
ông là thợ may. Khi cậu bé chưa đầy một tuổi thì người đã mất để lại một
gia đình đông con. Người mẹ phải đi giặt thuê kiếm ăn, làm tất cả mọi việc
có thể làm được chỉ cốt sao nuôi sống được lũ con.
Con cái từ rất sớm đã phải kiếm sống: đứa thì học may, đứa thì đi làm
phụ việc cho người bán thuốc…
I-ô-xíp Lích-xta-nốp dù sao cũng đã tốt nghiệp phổ thông trung học. Ông
vào trường thương nghiệp thành phố Xu-mư, nhưng cuộc cách mạng bắt
đầu – và thế là chàng trai trẻ Lích-xta-nốp trở thành nhà báo. Trong những
năm nội chiến ông làm việc trong các tòa báo “Công xã”, “Ngôi sao đỏ”,
“Người cộng sản”…