lý lẽ kém thuyết phục nhất vì không thể phân biệt chuỗi hành động
được đề nghị là xấu xa, không thể chấp nhận được hay đáng sợ. Là
những người ủng hộ quyền tự do lựa chọn, chúng tôi có thể mạnh
dạn nói rằng phương pháp của chúng tôi luôn phản đối những kiểu
cách can thiệp đáng bị phản bác nhất.
Luận điểm thứ ba là điều chúng tôi luôn nhấn mạnh trong suốt
quyển sách này: Trong nhiều trường hợp, một loại cú hích nào đó là
không thể tránh khỏi, cho nên thật vô nghĩa khi yêu cầu chính phủ
đứng ngoài cuộc. Các nhà kiến trúc lựa chọn, dù tư hay công, phải
làm một điều gì đó. Nếu chính phủ có ý ban hành quy định kiểm
soát danh mục thuốc bảo hiểm y tế theo chỉ định của bác sĩ thì một
kiến trúc lựa chọn tương ứng phải được hoàn thiện trước. Đối với
vấn đề ô nhiễm môi trường, luật lệ phải được thiết lập trước, dù chỉ
để xác nhận rằng những kẻ gây ô nhiễm không phải chịu trách
nhiệm gì cả, hoặc họ có thể gây ô nhiễm mà không bị trừng phạt.
Cuộc sống thường phát sinh những vấn đề mà chúng ta không
thể tiên đoán được. Ngay cả các định chế xã hội cũng cần các quy
tắc để quyết định xem những tình huống ấy phải được giải quyết
như thế nào. Nếu những quy tắc đó trông có vẻ vô hình thì đó là
do người ta xem chúng quá hiển nhiên và dễ nhận biết, đến mức họ
không nhận ra rằng chúng đang tồn tại.
Những người không đồng tình sử dụng những cú hích có lẽ sẽ
chấp nhận quan điểm này đối với lĩnh vực tư nhân. Có lẽ họ tin
rằng áp lực cạnh tranh có thể đánh bại những loại cú hích tệ hại
nhất. Các công ty cho thuê xe hơi hay điện thoại di động hãy coi
chừng bị mất khách hàng, nếu tiếp tục đẩy người tiêu dùng vào
những hướng bất lợi. Chúng tôi đã từng đề cập đến vấn đề dựa
trên quan điểm này và chúng tôi sẽ còn tiếp tục làm như thế. Hiện
tại, chúng tôi muốn tập trung vào lý lẽ theo lối ngụy biện “cái dốc
trơn” đối với riêng nhà nước. Những người đưa ra lý lẽ này đôi khi