của quy định này là nếu một món hàng được niêm yết hai giá, giá
dành cho khách hàng sử dụng thẻ tín dụng là giá “bình thường” (định
sẵn), còn giá dành cho khách hàng sử dụng tiền mặt phải là giá có
chiết khấu, chứ không phải khách hàng dùng thẻ phải trả giá cao
hơn!
Các nhà phát hành thẻ tín dụng rõ ràng có sự hiểu biết rất sâu
sắc về điều mà các nhà tâm lý học gọi là “đóng khung”. Vấn đề
nằm ở chỗ các lựa chọn sẽ phụ thuộc vào cách thức chúng ta đặt vấn
đề. Điểm này rất quan trọng trong việc ban hành chính sách. Các
cuộc thảo luận về năng lượng hiện đang nhận được sự quan tâm lớn
của cộng đồng, vậy hãy xem xét các chiến dịch truyền thông sau
đây: (a) Nếu bạn sử dụng các phương pháp tiết kiệm năng lượng
này, bạn sẽ tiết kiệm 350 đô-la mỗi năm; (b) Nếu bạn không sử
dụng các phương pháp tiết kiệm năng lượng này, bạn sẽ mất 350
đô-la mỗi năm. Rõ ràng, chiến dịch truyền thông (b), vốn “đóng
khung” bằng “sự mất mát”, hiệu quả hơn nhiều so với chiến dịch
truyền thông (a). Nếu chính phủ muốn khuyến khích người dân
sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, việc sử dụng chiến dịch
(b) sẽ tạo ra một cú hích mạnh mẽ hơn.
Sở dĩ “đóng khung” có tác dụng là vì người ta có khuynh hướng trở
thành những người ra quyết định thụ động và lơ đễnh. Tư duy trực
giác của họ không làm công việc mà lẽ ra nó phải làm để kiểm tra xem
việc “đóng khung” có tạo ra một câu trả lời khác hay không. Một
trong những lý do họ không làm việc này là vì họ không biết đâu là
cái tạo ra nghịch lý. Có nghĩa “đóng khung” là một cú hích có tác
dụng mạnh mẽ và cần được lựa chọn với sự cẩn trọng cao độ.
Thế thì sao?