Chương 2
CHỐNG LẠI CÁM DỖ
Cám dỗ
Cách đây vài năm, Thaler tổ chức một bữa ăn tối với khách mời là
các nhà kinh tế học trẻ tuổi. Ông mang ra một đĩa hạt điều lớn để
họ nhấm nháp với chai rượu vang đầu tiên. Chỉ trong vài phút, đĩa
hạt điều vơi đi rất nhanh và thực khách có thể mất khẩu vị khi
thưởng thức các món chính sau đó. Thấy vậy, nhân lúc các vị khách
đi tham quan các phòng trong nhà, Thaler cầm đĩa hạt điều đưa trả
về nhà bếp.
Khi ông quay lại, các vị khách mời cảm ơn ông đã mang đĩa hạt
điều đi. Cuộc trò chuyện ngay lập tức chuyển sang vấn đề triết lý
là làm thế nào họ có thể tiếp tục cuộc vui khi đĩa hạt điều không
còn trước mặt họ. (Đến đây, có lẽ bạn đã nhận ra Quy tắc ngón tay
cái được đề cập trong Chương 1). Trong kinh tế học (và cả trong đời
thường), có một quy luật rất căn bản là bạn không bao giờ rơi vào
hoàn cảnh xấu hơn nếu có nhiều lựa chọn hơn, vì bạn luôn luôn có
thể lật lại mọi vấn đề. Trước khi Thaler cất đĩa hạt điều, các vị
khách của ông có quyền chọn ăn hay không ăn, nhưng bây giờ thì
không. Trong lãnh địa của Econ, điều này đi ngược lại quy luật hạnh
phúc qua lựa chọn!
Để hiểu được ví dụ này, hãy xem các ưu tiên của nhóm thực khách
tiến triển như thế nào theo thời gian. Vào lúc 7 giờ 15 tối, ngay
trước khi Thaler mang đĩa hạt điều đi, các vị khách có ba lựa chọn:
ăn hạt điều; ăn hết số hạt điều; và không ăn thêm hạt nào cả. Lựa