cú hích và có thể được sử dụng bởi các “nhà tạo cú hích”, cả cá nhân
lẫn tổ chức.
Các nhà vận động tranh cử muốn khuyến khích cử tri bỏ phiếu
cho người của họ càng nhiều càng tốt. Họ làm điều đó như thế
nào? Tất nhiên, trước hết họ sẽ nhắm vào các đối tượng có
quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; sau đó là giảm chi phí và các trở
ngại để cử tri thực hiện quyền bầu cử một cách dễ dàng nhất.
Nhưng có một cách khác hiệu quả không kém. Đó là ngay trước ngày
bầu cử, nếu bạn hỏi cử tri rằng họ sẽ đi bầu vào ngày mai hay
không, khả năng là bạn sẽ tăng được lượng cử tri đi bầu lên đến
25%! Trong một ngữ cảnh khác, người ta hỏi 40.000 người tiêu dùng
rằng họ có ý định mua một mẫu xe mới trong vòng sáu tháng tới hay
không, và câu hỏi đơn giản này đã giúp hãng xe nọ tăng gần 35%
doanh số bán dòng xe mà họ muốn tung ra thị trường. Cũng vậy,
nếu ai đó được hỏi họ xỉa răng bằng chỉ nha khoa bao nhiêu lần
trong tuần thì khả năng họ tăng tần suất thực hiện “thủ thuật” này
gần như là điều chắc chắn xảy ra; nếu hỏi ai đó rằng họ sẽ
dùng thức ăn nhiều chất béo trong tuần tới hay không, bạn sẽ
nhận thấy họ kiêng cữ hơn một cách rõ rệt!
Cú hích từ việc hỏi người khác điều họ định làm còn có thể nhấn
thêm một bước bằng cách hỏi họ cụ thể hơn nữa về thời gian và kế
hoạch họ thực hiện điều đó. Sự hiểu biết sâu sắc này được nhà tâm
lý học Kurt Lewin gọi là “các yếu tố rãnh” có tác dụng dẫn nguồn
tư tưởng. Đây là một thuật ngữ được ông sử dụng để chỉ những tác
động nhỏ có thể tạo điều kiện thuận lợi hoặc hạn chế một hành vi
nào đó. Hãy xem “rãnh” như dòng nước từ những con suối đóng
băng bắt đầu tan chảy. Đường đi của nó có thể bị thay đổi bởi
những yếu tố tưởng như rất nhỏ. Đối với con người, Lewin cho
rằng những yếu tố nhỏ bé tương tự như thế có thể tạo ra những
tác động mạnh đến mức kinh ngạc đối với hành vi mà họ muốn