quyền lực gì đối với người khác nhưng được hưởng tiện nghi nhiều nhờ sự
hợp tác của hàng ngàn phân công. Một xã hội văn minh là nhờ ở một hệ
thống hợp tác tự phát do thiên hướng bản chất của con người chứ chẳng
phải do một quyền lực chính trị nào vạch ra và lãnh đạo.
Điểm tổng quát này còn được Smith thể hiện qua hình tượng nổi tiếng
là “bàn tay vô hình”. Những hoạt động phức tạp của các lực lượng thị
trường, cũng giống như sự phân công lao động, mang lại lợi ích lớn cho xã
hội và nâng cao mức sống. Người ta lại thấy rõ ở đây là lợi ích không do
một kế hoạch nào định đoạt. Người mua và kẻ bán trên thị trường đều chịu
sự tác động của lợi ích riêng của chính họ mà thôi, nhưng họ phục vụ cho
lợi ích chung của xã hội mà không hề nghĩ gì về việc làm này cả. Khi
Smith nói những người mua bán trên thị trường bị chi phối bởi một bàn tay
vô hình để góp phần vào lợi ích công cộng mà họ không hề nghĩ đến, Smith
không đưa thần học vào kinh tế học. Ông chỉ sử dụng một ẩn dụ sinh động
để mô tả những công lao của một quá trình tự nhiên. Sự phân công lao
động và hoạt động của thị trường trở thành những nguyên nhân chính tạo
nên của cải của các dân tộc. Cả hai đều là quá trình tự nhiên, không dự kiến
trước, và tốt hơn hết là nên để tự nó vận hành không có sự can thiệp của
chính trị.
Vai trò quan trọng của thị trường đã đưa Smith đến chỗ tìm cách giải
thích khâu trung tâm của nó là giá cả và khái niệm liên đới về giá trị kinh
tế. Đây là một vấn đề khá phức tạp và Smith biết rõ là khó mà làm sáng tỏ
mọi vấn đề. Một phần bản trình bày của ông, thuyết về giá trị do lao động,
thực ra đã bị nhiều tác giả sau này phê phán nghiêm khắc. Những lý thuyết
hiện đại về giá trị kinh tế còn tinh vi hơn nhiều và cũng khó hiểu hơn nhiều.
Bản tường trình sơ khởi của Smith ít ra cũng giúp chúng ta thấy được các
vấn đề cần phải giải quyết.
Smith vạch rõ sự khác biệt giữa “giá thực”, hoặc giá trị, của hàng hóa
và “giá danh nghĩa” của nó tính bằng tiền. Ông chỉ rõ là giá thực hay giá trị
là chi phí về mặt lao động. Người làm ra một mặt hàng phải lao công khổ
não nên phải được đền bù bằng một thứ gì khác có ích cho mình, thường là
một thứ gì mà người khác cũng đã phải lao động để tạo ra, cho nên việc