Mỗi một nước như vậy dĩ nhiên phải cố gắng tích lũy vàng bạc trong thời
bình để có thể sử dụng trong khi tiến hành chiến tranh ở nước ngoài.
Do có những quan niệm phổ biến này, tất cả các nước khác nhau ở
Châu Âu đều tìm mọi cách để tích lũy vàng bạc mà khi cần thiết họ có đủ
tiền của để sử dụng. Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha làm chủ những mỏ vàng
bạc lớn và thường cung cấp các kim loại quý đó cho Châu Âu, nhưng đã
phải cấm xuất khẩu với đe dọa bị phạt nặng hoặc đánh thuế rất nặng. Hình
như sự cấm đoán tương tự vào thời xa xưa đó đã trở thành một chính sách
của hầu hết các nước Châu Âu. Ngay trong một vài lệnh cổ xưa của nghị
viện Scotland, người ta vẫn còn tìm thấy rằng từ thời kỳ xa xưa ở xứ
Scotland, mang vàng bạc ra khỏi vương quốc phải chịu hình phạt rất nặng
nề. Sự cấm đoán cũng thấy cả ở Pháp và Anh vào thời đó.
Khi các nước trở thành thị trường buôn bán, các nhà buôn thấy sự cấm
đoán đó hết sức bất tiện cho các hoạt động thương trường của họ. Họ
thường thường mua mua các thứ hàng ở nước ngoài bằng vàng bạc với
những điều kiện thuận lợi hơn là dùng hàng hóa có trong nước để trao đổi,
kể cả nhập và xuất hàng hóa cần cho tiêu dùng trong nước và cho dân
chúng ở nước ngoài. Họ phản đối sự cấm đoán đó như là có hại cho công
việc buôn bán của họ.
Trước hết, họ có ý kiến cho rằng việc xuất khẩu vàng bạc để mua hàng
ngoại không phải bao giờ cũng làm giảm số lượng các kim loại đó trong
vương quốc. Ngược lại, việc xuất khẩu vàng bạc để đổi lấy hàng ngoại còn
làm tăng thêm số lượng kim loại hiện có trong nước, vì nếu các hàng ngoại
không được tiêu thụ hết ở trong nước, người ta có thể tái xuất các hàng còn
lại ra nước ngoài và bán với một giá có lãi, có thể mang lại nhiều vàng bạc
hơn số lượng đầu tiên đã xuất đi để mua hàng. Ông Mun so sánh cách làm
này của ngành ngoại thương cũng chẳng khác gì gieo hạt giống để thu
hoạch được cả một vụ gặt trong nông nghiệp. Ông ta nói cụ thể hơn rằng
“Nếu chúng ta chỉ thấy lúc người trồng trọt mang thóc giống ném ra mặt
ruộng, chúng ta có thể nghĩ là anh ta hơi tàng tàng đây, nhưng khi chúng ta
thấy anh ta lao động cần cù, siêng năng chăm bón cho lúa giống để mọc
thành những cây lúa xanh tốt nặng trĩu hạt, và cuối cùng được gặt hái, thu