- Vâng, tôi phải bố trí một gia đình cơ sở. Nhưng cô ta là người thành
phố hay ở nông thôn? Nếu là người thành phố thì phải chọn cho cô ấy một
cái nhà trong xóm đồng, sạch sẽ và có bể nước. Nếu là người nhà quê thì
tôi muốn để cô ấy ở nhà bà Thỉnh - ông ta hấp háy cặp mắt rồi xoa tay thú
thực một cách ngượng nghịu - nói giấu gì thầy, tôi chỉ ước có một người
kèm riết cho thằng Bân nó thanh toán chong chóng cái lớp bảy.
Bân là người học trò khá đặc biệt: anh là kế toán trưởng của ban quản
trị hợp tác xã. Ông Vàng và ban quản trị thu xếp cho Bân đi học văn hóa
thêm, dự tính nay mai lớp trung cấp nông nghiệp tỉnh mở, sẽ cử Bân đi học
để sau này về làm chân phó chủ nhiệm phụ trách kỹ thuật.
Trong số các học trò đã đi bộ đội, Thùy không bao giờ quên Bân, một
thanh niên rất đứng đắn ngồi ở dãy bàn cuối trong lớp, một anh học trò có
lẽ còn hơn tuổi cả cô giáo. Bân không giống Lân mấy, không đẹp trai và
nhanh nhẹn nhưng làm việc gì cũng chắc chắn và học tập rất chăm chỉ. Cô
nhận thấy sự cần thiết của địa phương nên đã kèm riết cho Bân học. Cả
người dạy và người học đều vất vả. Ngày nào cô cũng bỏ ra vài giờ ở nhà,
vào buổi trưa hay buổi tối để giảng lại cho Bân từng "tiết" của chương trình
các lớp dưới. Bân vùi đầu vào học văn hóa không kể ngày đêm, chẳng khác
nào người đi cày vội để cho kịp có đất cấy. Sắp đến ngày lớp trung cấp
nông nghiệp trên tỉnh mở (giấy gọi học sinh đã gửi xuống ủy ban xã), thì
Bân trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Thế là anh từ biệt lớp học của Thùy, bàn
giao công việc kế toán cho một người khác và lên đường.
Bân ra bộ đội được nửa tháng và vẫn đóng ở gần. Hồi ấy, địch chưa
bắn phá miền Bắc và tình hình hãy còn yên tĩnh. Anh được phép về thăm
nhà vào một ngày chủ nhật. Thùy còn nhớ lần ấy, Bân nói với cô: "Chế độ
nghĩa vụ bây giờ có hai năm, trong bộ đội cũng tổ chức học văn hóa. Xong
khóa nghĩa vụ này, tôi trở về chắc ông Vàng lại bắt đi học lớp kỹ thuật
nông nghiệp gì đó thôi!". Hôm đó, anh mặc bộ quân phục mới còn ra vẻ