Cô túm lấy áo, đét lấy đét để vào bên vai: "Đổ xuống sông xuống biển! Đổ
xuống sông xuống biển!". Hai con mắt Tốt nheo tít lại như hai sợi chỉ thấm
nước đen nhánh.
Lân cố nén sự kích động bước vào nhà, chào mọi người bằng cái
giọng sắp vỡ tiếng. Trông thấy Thùy đang ngồi nói chuyện với ông, Lân rất
mừng vì cô giáo cũng đến. Từ trước đến nay Thùy thường khuyên Lân
năng sang nhà u. Tuy hai gia đình có sự xích mích nặng nề, Lân vẫn năng
sang bên này. Nhất là từ ngày Bân đi, Lân đặt cho mình trách nhiệm thay
Bân săn sóc bác Thỉnh.
Bác Thỉnh trao cho Lân một chồng bát đĩa, bảo lau rồi hỏi:
- Dì có nhà không con?
Lân trả lời ngượng ngùng "Có ạ" rồi lại cúi xuống lau. Lân rất dễ vui,
nhưng cũng dễ buồn mỗi khi nghe nhắc đến "dì" mình.
Chị Quý - mẹ đẻ Lân - ngày trước là một người con gái buôn hàng
tấm, có một hồi vừa bán hàng vừa làm giao thông giữa các cơ sở kháng
chiến trong vùng địch tạm chiếm. Trong khi gặp gỡ công tác, chị phải lòng
ông Lâm. Chị yêu ông Lâm mê mệt. Ông Lâm hồi đó là cán bộ huyện ủy
nằm vùng địch tạm chiếm. Hai người trót dở dang với nhau và đành phải
lấy nhau. Đến ngày hòa bình, xã Kiều Sơn được giải phóng trước, ông Lâm
về xin lỗi vợ và bố, nói thực tất cả và đưa chị Quý và Lân về làng.
Mấy năm trước, ông cụ Lâm ở với mẹ con chị Quý. Đến bấy giờ,
ngoài ba nhăm tuổi mà chị Quý vẫn còn đẹp, nét mặt thật nhẹ nhõm, xởi
lởi. Con người cũng thực lịch sự, kín đáo. Mỗi khi có bạn của chồng trên
tỉnh ghé vào, chị vội vàng rút lui vào tận sau cột, mặc chiếc áo cánh sạch sẽ
rồi hai tay bưng bộ ấm chén ra tiếp khách. Lần đầu tiên Thùy đến thăm, chị
đang dở làm việc trong nhà, chỉ ló đầu ra nói vồn vã: "Mời cô giáo ngồi
chơi, tôi dở bận tay một chút. Tôi ra ngay đây ạ!". Thùy nhìn vào, thấy chị