... Buổi trưa hôm ấy, sau khi nghỉ ngơi và uống nước ở trường học,
đoàn cán bộ chuẩn bị sang nghiên cứu địa hình bên rừng.
Quang ngồi trong xe, đưa mắt ngắm cánh đồng và dòng sông. Chưa
bao giờ ông cảm thấy vui như thế. Xung quanh Quang là cánh đồng lúa
chín, trước mặt là biển. Nắng tháng chín vàng thắm hai bên chân đê. Đã
mấy lần, Quang quay lại nhìn mái trường, chỗ ấy ngày xưa là bốt làng
Kiều. Cũng như những lần có dịp quay trở lại các vùng chiến trường cũ,
Quang thấy cái gì cũng đổi khác, cũng mang một ý nghĩa. Vùng cửa sông
xung quanh bốt Kiều này ngày xưa là một cánh đồng cỏ lác tốt lút, bây giờ
đã ngan ngát hương lúa, và sừng sững ngôi trường cấp hai của xã.
Ngày xưa, huyện Kiến Thành và các vùng biển ven sông Kiều không
phải là địa bàn hoạt động của tiểu đoàn Quang. Chỉ có một lần vào cuối
năm1950, đơn vị Quang về tổ chức một trận đánh tàu. Trận địa bố trí phục
kích ở bên cánh rừng sú. Một buổi tối mùa đông rét như cắt thịt, các chiến
sĩ thuộc tiểu đoàn ông ôm súng ngồi thành hàng dọc ở bìa rừng, đại đội
cuối cùng kéo dài vắt tận khe núi. Ngoài sông, từ cánh bèo đến ngọn sóng
đều sáng rực lên dưới ánh đèn pha của ca nô địch đi tuần tiễu. Bọn lính
trong bốt Kiều thỉnh thoảng lại bắn một tràng đại liên "tặc... tặc..." ra cái gò
cát ở cửa sông. Bỗng nhiên, từ bên một gốc sú mọc lòa xòa dưới nước,
ngay trước mặt Quang, một mái tóc đội mảng bèo tây từ từ nhô lên. Quang
tưởng như bàn tay mình vừa bị một gáo nước lã dội vào, ông đang nắm đôi
bàn tay gầy guộc và lạnh cóng của người vừa mới tới. Hai hàm răng người
ấy vẫn còn đánh lập cập trong tiếng báo cáo: "Các đồng chí cứ đợi, thuyền
bè bên ấy chúng tôi đã sẵn sàng cả rồi!". Đêm ấy, tiểu đoàn Quang vượt
qua sông an toàn. Khi người chiến sĩ cuối cùng chạy qua trước mặt, Quang
vội vàng chụp lấy bàn tay tái nhợt và lủng củng những đốt xương của người
bí thư chi bộ làng Kiều và lắc mạnh rồi chạy đuổi theo đơn vị. Từ hòa bình,
Quang cũng không có dịp nào trở về vùng này nữa. Thế mà thấm thoát đã
mười lăm năm rồi!