tranh giữa các khuynh hướng và trường phái nhường chỗ cho sự diễn đạt
mệnh lệnh của các lãnh tụ. Tất cả các nhóm bắt buộc phải thuộc về một tổ
chức duy nhất, một loại trại tập trung các nhà văn. Những nhà văn tồi
nhưng ngoan ngoãn như Gơlátcôp (Gladkov) và Xêraphimôvit
(Serafimovitch) được tuyên dương là cổ điển. Những nhà văn có tài, nhưng
không biết tự kiềm chế như họ muốn, bị bao vây bởi những bầy quân sư vô
sỉ được trang bị bằng đầy những trích dẫn. Những nhà nghệ sĩ xuất chúng
phải tự tử; những người khác tìm chất liệu sáng tác trong một quá khứ xa
xôi hoặc im lặng. Những sách chân thật và mang dấu hiệu của tài năng chỉ
xuất hiện một cách ngẫu nhiên, như chúng thoát khỏi nhà ngục, trở thành
một thứ hàng lậu.
Đời sống nghệ thuật xô-viết là một thiên thảm sử tuẫn tiết. Sau bài
báo chỉ đạo của tờ Sự Thật chống chủ nghĩa hình thức, người ta thấy trong
đám nhà văn, họa sĩ, trợ lý đạo diễn và cả các nữ ca sĩ nhạc kịch, một trận
dịch “hối lỗi”. Tất cả đua nhau từ bỏ những tội lỗi của họ ngày hôm qua,
nhưng đã thận trọng tránh không nói rõ chủ nghĩa hình thức là gì. Cuối
cùng các nhà chức trách lại phải, bằng một chỉ đạo mới, chặn lại làn sóng
khẩn cầu quá mạnh mẽ ấy. Các lời phê bình văn học được xét lại trong vài
tuần, các giáo khoa viết lại, các phố đổi tên và người ta dựng những tượng
đài vì Stalin đã tỏ lời khen ngợi Maiacôpski (Maiakovsky). Ấn tượng của
một nhạc kịch đối với các vị cấp lãnh đạo trở thành đường lối chỉ đạo cho
các nhà soạn nhạc. Bí thư đoàn thanh niên cộng sản tuyên bố trong một
cuộc hội nghị các nhà văn rằng “các chỉ thị của đồng chí Stalin là pháp lệnh
cho tất cả mọi người” và người ta vỗ tay, mặc dầu một số đỏ mặt vì xấu hổ.
Và như người ta muốn lăng mạ đến tột cùng văn học, Stalin, người không
thể viết đúng ngữ pháp một câu tiếng Nga, được phong là một trong những
nhà cổ điển về văn phong. Cái lối biện giải “bi dăng tanh” viển vông ấy và
cái triều đại cảnh sát ấy có một cái gì bi thảm bên trong bộ mặt hài hước
của chúng.
Công thức chính thống chỉ định văn hóa phải xã hội chủ nghĩa về nội
dung và dân tộc về hình thức. Tuy nhiên nội dung văn hóa xã hội chủ nghĩa
chỉ có thể nêu lên như là một giả thuyết ít nhiều may mắn. Không ai có thể