chặt chẽ của những nước đã thắng nó (tiện thể xin nói, đó là hình thức duy
nhất “giải trừ binh bị” thật sự), nhờ có nền công nghiệp hùng mạnh của nó,
lại trở lại thành thành trì của chủ nghĩa quân phiệt châu Âu. Đến lượt nó, nó
lại chuẩn bị “tước vũ khí” vài nước láng giềng với nó. Tư tưởng “giải trừ
binh bị lũy tiến” chỉ còn là sự cố gắng giảm bớt trong thời bình những chi
phí quân sự quá đáng; đó là vấn đề ngân quỹ chứ không phải lòng yêu
chuộng hòa bình. Và tư tưởng ấy cũng tỏ ra không thực hiện được! Do sự
khác nhau về vị trí địa lý, về lực lượng kinh tế và no nê về thuộc địa, mọi
qui phạm giải trừ binh bị sẽ kéo theo một thay đổi tương quan lực lượng có
lợi cho những người này và có hại cho những người khác. Đó là sự bí lối
của những cố gắng ở Giơnevơ. Trong gần hai mươi năm, những cuộc
thương thuyết và đàm luận về giải trừ binh bị chỉ đem đến một sự đua tranh
vũ trang mới, vượt xa mọi tình hình đã thấy cho đến nay. Xây dựng đường
lối cách mạng của giai cấp vô sản trên chương trình giải trừ binh bị, thì
không những là xây dựng nó trên cát, mà còn là xây dựng nó trên màn khói
che phủ chủ nghĩa quân phiệt.
Việc đẩy lui đấu tranh giai cấp nhường chỗ cho chiến tranh đế quốc
chỉ làm được với sự giúp đỡ của những người lãnh đạo các tổ chức quần
chúng lao động. Các khẩu hiệu đã cho phép năm 1914 đưa việc ấy đến
thành công tốt đẹp; cuộc “chiến tranh cuối cùng”, cuộc “chiến tranh chống
chủ nghĩa quân phiệt Phổ”, cuộc “chiến tranh của dân chủ” đã mất hẳn giá
trị lịch sử sau hai mươi năm qua. “An ninh tập thể” và “giải trừ binh bị toàn
bộ” được nêu ra thay thế các khẩu hiệu cũ. Lấy cớ ủng hộ Hội Quốc liên,
những người cầm đầu các tổ chức công nhân châu Âu chuẩn bị tái bản “liên
minh thiêng liêng”, cần thiết đối với chiến tranh không kém các xe tăng,
máy bay và hơi độc “bị nghiêm cấm”.
Đệ tam Quốc tế sinh ra từ sự phản kháng quyết liệt chống chủ nghĩa
xã hội ái quốc. Nhưng cơ sở cách mạng mà cách mạng Tháng mười thổi
vào cho nó đã bị tiêu tan từ lâu. Quốc tế cộng sản ngày nay núp dưới sự bảo
trợ của Hội Quốc liên giống như Đệ nhị Quốc tế, nhưng với một bộ mặt trơ
trẽn hơn. Khi nhà xã hội Anh, Xtappo Cơrứp (Stafford Cripps) gọi Hội
Quốc liên là một tổ chức quốc tế của những tên tướng cướp, nói như thế tất