cấp bộ đảng, Nhà nước hoặc quân đội, nhất là về các vấn đề quân sự;
đường lối của những người lãnh đạo được đưa ra phê phán tự do và nhiều
khi rất ác liệt. Trong tờ tạp chí quân đội có ảnh hưởng nhất hồi đó, thủ lĩnh
quân đội
viết về sự kiểm duyệt quá nghiêm khắc: “Tôi công nhận kiểm
duyệt đã làm nhiều bậy bạ và tôi thấy rất cần thiết phải nhắc vị đáng kính
ấy nên khiêm tốn hơn. Kiểm duyệt có nhiệm vụ giữ gìn những bí mật của
chiến tranh... Ngoài ra chẳng có gì liên quan đến kiểm duyệt cả” (23 tháng
hai 1919).
Câu chuyện lập bộ tham mưu quốc tế không có quan trọng mấy
trong cuộc đấu tranh tư tưởng, cuộc đấu tranh này, tuy không ra khỏi giới
hạn của kỷ luật hành động, đã dẫn đến sự hình thành một nhóm đối lập
trong quân đội, ít ra là trong các giới lãnh đạo. Trường phái “học thuyết vô
sản của chiến tranh” trong đó có Phơrundê (Frounzé), Tukhatsepski,
Gutxep, Vôrôsilôp (Vorochilov) và những người khác, xuất phát từ niềm tin
tiên nghiệm (a priori) cho rằng hồng quân, trong mục đích chính trị và cấu
trúc của nó, cũng như trong chiến lược và sách lược của nó, không có cái gì
là giống với các quân đội quốc gia của một nước tư bản. Về mọi mặt, giai
cấp thống trị mới cần có một hệ thống chính trị riêng biệt. Cần phải sáng
tạo. Trong cuộc nội chiến, người ta chỉ mới đưa ra những lời phản đối trên
nguyên tắc, chống sử dụng các tướng tá tức các sĩ quan cũ của quân đội Sa
hoàng và công kích việc ban chỉ huy cấp trên đấu tranh với những ứng tác
địa phương và những vi phạm kỷ luật không ngừng. Nhân danh những
nguyên lý “vận hành” và “tấn công”, nêu lên thành mệnh lệnh tuyệt đối,
những người xướng xuất tư duy mới lại còn muốn lên án sự tổ chức tập
trung của quân đội, cho rằng lối tổ chức tập trung đó ngăn cản sáng kiến
cách mạng trên các chiến trường quốc tế. Xét đến cùng đó là một ý kiến
muốn nâng cao các tác chiến du kích buổi đầu của nội chiến lên tầm một hệ
thống lâu dài và phổ biến. Có những tướng tá bày tỏ nhiệt tình với học
thuyết mới đến mức không muốn nghiên cứu học thuyết cũ nữa. Xaritxin
(Tsaritsyne ngày nay là Stalingơrat) là trung tâm chính của những tư tưởng
ấy, Budienni (Boudienny), Vôrôsilôp (và sau đó, Stalin) bắt đầu hoạt động
quân sự cũng ở đấy.