của Liên xô sẽ không tránh khỏi. Về các phương diện kỹ thuật, kinh tế và
nghệ thuật quân sự, chủ nghĩa đế quốc vô cùng mạnh hơn Liên xô. Nếu đế
quốc không bị tê liệt vì cách mạng ở phương Tây, nó sẽ phá hủy chế độ
sinh ra từ cách mạng Tháng mười.
Về chỗ đó người ta có thể trả lời rằng chủ nghĩa đế quốc là một điều
trừu tượng vì nó bị giằng xé do những mâu thuẫn của chính nó. Đúng như
thế; và không có những mâu thuẫn đó, Liên xô đã phải rời bỏ sân khấu từ
lâu. Những hiệp ước ngoại giao và quân sự của Liên xô dựa trên những
mâu thuẫn ấy. Nhưng người ta sẽ sai lầm tai hại nếu không chịu nhìn nhận
tới một giới hạn nào đó những giằng xé kia sẽ phải chấm dứt. Cũng vì vậy,
cuộc đấu tranh giữa các đảng phái tư sản và tiểu tư sản, từ những đảng phản
động nhất đến những đảng có tính xã hội-dân chủ nhất sẽ dừng lại trước
nguy cơ tức thời của cách mạng vô sản; những mâu thuẫn đế quốc chủ
nghĩa bao giờ cũng sẽ được giải quyết bằng một cuộc thỏa hiệp để ngăn cản
thắng lợi quân sự của Liên xô.
Những hiệp ước ngoại giao chỉ là tờ “giấy lộn”, theo lời nói không
phải là không có ý nghĩa của một thủ tướng nước Đức. Không thấy ở đâu
viết chúng sẽ tồn tại cho đến lúc có chiến tranh. Không một hiệp ước nào
với Liên xô có thể tồn tại đứng trước nguy cơ một cuộc cách mạng sắp xảy
ra ở cứ nơi nào tại châu Âu. Chỉ cần cuộc khủng hoảng chính trị ở Tây ban
nha (chưa nói tới nước Pháp) bước vào một giai đoạn cách mạng quyết liệt,
các chính phủ tư bản sẽ đặt hy vọng vào Hitle – cứu thế, theo gương ông
Lôi Gioocgiơ đã phát biểu. Vả lại nếu tình hình không ổn định của Tây ban
nha, Pháp, Bỉ kết thúc bằng thắng lợi của phái phản động, các hiệp ước xô
viết lại càng không còn dấu vết gì nữa. Cuối cùng, cho là các “giấy lộn”
vẫn còn uy lực trong giai đoạn đầu của các hoạt động quân sự, người ta
không thể nghi ngờ rằng sự sắp xếp lực lượng trong giai đoạn quyết định
lại không do những nhân tố mạnh hơn những điều cam kết long trọng của
các nhà ngoại giao, vốn là những tay trở mặt chuyên nghiệp.
Tình hình sẽ thay đổi hoàn toàn nếu các chính phủ tư sản có những
bảo đảm vật chất cho họ yên tâm, rằng chính phủ Matxcơva đứng về phía
họ, không những trong chiến tranh mà cả trong cuộc đấu tranh giai cấp. Lợi