Xã hội tư sản đã nhiều lần, trên đường đi của mình, thay đổi chế độ
và đẳng cấp quan liêu mà không thay đổi các nền móng xã hội của nó. Nó
đã biết dự phòng chống lại việc phục hồi chế độ phong kiến và phường hội
nhờ tính ưu việt của phương thức sản xuất. Chính quyền chỉ có thể hoặc
giúp thêm hoặc làm trở ngại sự phát triển của tư bản; các lực lượng sản
xuất, xây dựng trên sở hữu tư nhân và sự cạnh tranh, hoạt động cho lợi ích
của chúng. Ngược lại, các quan hệ sở hữu thiết lập của cách mạng xã hội
chủ nghĩa lại gắn liền không thể tách rời với Nhà nước mới, là tổ chức đã
mang chúng trong lòng. Ưu thế của những khuynh hướng xã hội chủ nghĩa
đối với các khuynh hướng tiểu tư sản được bảo đảm không phải nhờ sự vận
hành tự động của nền kinh tế - chúng ta còn xa mới đến được chỗ đó – mà
bằng quyền lực chính trị của chuyên chính. Vậy nên, tính chất của kinh tế
tùy thuộc hoàn toàn tính chất của chính quyền.
Sự sụp đổ của chế độ xô-viết tất yếu dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh
tế kế hoạch hóa và từ đó, thanh toán những sở hữu nhà nước hóa. Sợi dây
nối buộc giữa các đại xí nghiệp và giữa các xí nghiệp trong lòng các đại xí
nghiệp sẽ đứt. Những xí nghiệp được ưu tiên nhất sẽ được thả ra mặc
chúng. Chúng sẽ có thể trở thành những hội có cổ phần hoặc chọn một hình
thức quá độ nào đó của sở hữu, thí dụ như có sự tham gia của công nhân
vào lợi nhuận. Các nông trường tập thể cũng sẽ tan rã, còn dễ dàng hơn. Sự
sụp đổ của nền chuyên chính quan liêu hiện nay mà không có sự thay thế
bằng một chính quyền xã hội chủ nghĩa mới, như thế sẽ báo hiệu sự quay
trở lại hệ tư bản chủ nghĩa với một bước thụt lùi tai họa về kinh tế và văn
hóa.
Nhưng nếu chính quyền xã hội chủ nghĩa còn tuyệt đối cần thiết cho
sự bảo tồn và sự phát triển nền kinh tế kế hoạch hóa, vấn đề là cần biết
chính quyền xô-viết hiện nay dựa vào ai, tinh thần xã hội chủ nghĩa có
đường lối chính trị của đám người ấy đến mức độ nào, đó là vấn đề nghiêm
trọng. Tại đại hội XI của đảng, như để từ biệt, Lênin nói với các giới lãnh
đạo: “Lịch sử đã từng biết những biến đổi đủ loại; trong chính trị mà dựa
vào niềm tin, sự tận tụy hay phẩm chất tốt đẹp của tâm hồn… là chẳng
nghiêm chỉnh chút nào”. Điều kiện quyết định ý thức. Trong vòng mười