khi cũng thoát ra đôi chút lối nói nghi thức của các nhà lãnh đạo xô-viết
khác, đã phát biểu trong phiên họp của thường vụ: “Mức độ trung bình của
năng suất lao động… ở xứ ta còn thấp hơn rõ ràng so với ở Mỹ và Châu
Âu”. Đáng lẽ phải nói chính xác: mức độ ấy còn ba, năm và đến cả mười
lần thấp hơn so với châu Âu và châu Mỹ, cho nên giá thành của chúng ta
cao hơn rất nhiều. Cũng trong bài diễn văn ấy, Môlôtôp có lời thú nhận này
tổng quát hơn: “Trình độ văn hóa trung bình của công nhân chúng ta còn
thấp hơn trình độ công nhân của một số nước tư bản”, đáng lẽ phải nói
thêm: điều kiện sinh sống vật chất trung bình của họ (công nhân xô-viết)
cũng vậy. Sẽ là thừa nếu nhấn mạnh sự thẳng thắn và sáng suốt của những
lời ấy được bất chợt nói ra, đã gạt bỏ những luận điệu khoác lác của vô số
nhân vật chính phủ và những lời mơn trớn của các “bạn” nước ngoài!
Sự phấn đấu để tăng năng suất lao động cộng với sự lo toan về quốc
phòng hợp thành nội dung chủ yếu hoạt động của chính phủ xô-viết. Ở
những giai đoạn tiến hóa khác nhau của Liên-xô, cuộc chiến đấu ấy đã
khoác nhiều hình thức. Các phương pháp “đội xung kích” áp dụng trong
khi thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất và giai đoạn đầu kế hoạch lần
thứ hai, dựa trên sự kích động, gương cá nhân, áp lực hành chính và mọi
thứ khuyến khích và ưu đãi dành cho các nhóm. Những cố gắng để thiết lập
một kiểu làm việc theo sản phẩm trên cơ sở “sáu điều kiện” năm 1931 vấp
phải đồng tiền ma và các thứ loại giá. Thay cho sự phân biệt uyển chuyển
các thứ thù lao, hệ thống phân phối sản phẩm của Nhà nước đặt ra những
“phần thưởng”, trong thực tế có nghĩa là sự độc đoán quan liêu. Việc săn
đuổi quyền lợi làm lọt vào hàng ngũ những người lao động xung kích, ngày
càng đông, những tay khéo xoay sở, có thần thế vì được che chở. Toàn hệ
thống cuối cùng quay trở lại mâu thuẫn với những mục đích nó đề ra.
Chỉ có sự xóa bỏ các phiếu cung cấp, tiêu biểu sự ổn định của đồng
rúp và sự thống nhất các giá cả mới cho phép thực hiện các phương pháp
lao động theo sản phẩm hoặc làm khoán. Trên cơ sở đó phong trào
stakhanôp đã nối tiếp các đội lao động xung kích. Nhận thấy đồng rúp đã
có giá trị hơn, các công nhân chú trọng hơn đến máy móc của họ và sử
dụng giờ làm việc của họ tốt hơn. Phong trào stakhanôp, trong một chừng