CUỘC CÁCH MẠNG NGƯỢC TRONG KHOA HỌC - Trang 14

Rất may là loài người lại có phân hữu tri thức, nhờ đó sự khiếm khuyết

của cá nhân này lại được cá nhân khác bù đắp. Đấy chính là nền tảng để
hình thành các trật tự tự phát, tại đó các cá nhân, dù theo đuổi các mục tiêu
cá nhân của mình, nhưng kết cục lại đem lại lợi ích cho những người khác.
Trật tự đó được tạo ra từ hoạt động của con người nhưng lại không do một
cá nhân nào thiết kế ra. Trật tự tự phát chính là nguyên lí để xây dựng một
xã hội hiện đại vì tự do, hoà bình, và thịnh vượng.

Ông đã kiên trì xây dựng hệ thống phương pháp luận của mình trên dòng

triết lí này và triển khai các luận đề chống lại xu hướng duy khoa học trong
nghiên cứu xã hội, vốn bắt chước một cách mù quáng cách tiếp cận trong
nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên, về mặt lí thuyết, đóng góp của ông đã
tạo ra một nền tảng vững chắc về phương pháp luận để nhánh kinh tế học
thể chế mới, kinh tế học về thông tin, kinh tế học về hiện tượng phức, và lí
thuyết trò chơi phát triển sau này. Những luận đề của ông cũng góp phần
dẹp bỏ được ảo tưởng về sự tồn tại của một “học thuyết” khoa học xã hội
nào đó nhằm dự báo hoặc làm “kim chỉ nam” để thiết kế hay cải tạo xã hội.
Chúng ta có thể xây dựng các lí thuyết về các hiện tượng xã hội, nhưng ứng
dụng của chúng chỉ dừng ở mức độ giải thích nguyên lí hay dự báo mô
thức, hoặc góp phần vào điều chánh các định chế có tính phổ quát trong xã
hội theo hướng hiệu quả hơn. Đấy chính là sự khiêm cung mà Hayek mong
muốn các nhà khoa học xã hội ghi nhớ để có những đóng góp tích cực, thay
vì phá hủy, vào quá trình phát triển nền văn minh mà loài người đã dày
công xây dựng trong suốt hàng nghìn năm qua.

Đinh Tuấn Minh

Hà Nội, tháng 12/2016

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.