II
Bản thân Condorcet đã trở thành một nạn nhân của Cuộc cách mạng
Pháp. Tuy thế tác phẩm của ông đã chỉ ra rằng Cuộc cách mạng đó, đặc biệt
là những cải cách giáo dục của nó, đã đóng vai trò quan trọng cho việc ra
đời của một tổ chức khoa học lớn được thể chế hóa và tập trung hóa, nơi đã
tạo ra một trong số những thời kì rực rỡ nhất của những tiến bộ khoa học
cho tới tận đầu thế kỉ mới. Tuy nhiên, chính cái tổ chức này không chỉ trở
thành cái nôi của chủ nghĩa duy khoa học, khía cạnh mà chúng ta đặc biệt
quan tâm, mà nó có lẽ còn phải chịu trách nhiệm chính cho sự trượt dốc
tương đối của khoa học Pháp trong suốt thế kỉ từ vị trí số một trên thế giới
xuống vị trí không những sau Đức mà còn sau cả nhiều quốc gia khác. Như
chiều hướng thường thấy trong các phong trào tương tự, chỉ từ thế hệ thứ
hai hay thế hệ thứ ba trở đi, những học trò của những vĩ nhân đã mắc
khuyết điểm khi phóng đại những ý tưởng của thầy mình và áp dụng chúng
một cách sai lầm vượt quá giới hạn cho phép của chúng.
Những hệ quả trực tiếp của Cuộc cách mạng Pháp đặc biệt thu hút sự
quan tâm của chúng ta ở ba khía cạnh sau đây. Trước hết, sự sụp đổ của
những trường viện đang tồn tại đòi hỏi phải áp dụng ngay lập tức tất cả
những tri thức vốn được xem như là biểu hiện cụ thể của lẽ phải, như là tôn
chỉ của Cuộc cách mạng [cho những trường viện mới đang được dựng lên].
Như một trong những tạp chí khoa học mới nổi ở cuối Giai đoạn Khủng bố
(the Terror) [1793- 1794] đã diễn tả: “Cuộc cách mạng đă san bằng mọi
thứ. Chính quyền, những giá tri đạo đức, những thói quen và mọi thứ khác
sẽ phải được xây dựng lại. Thật là một công trường tráng lệ cho các nhà
kiến trúc sư! Thật là một cơ hội lớn để tận dụng những ý tưởng tuyệt vời
vẫn còn đang được ấp ủ, để sử dụng những vật liệu vẫn còn chưa được sử