2
VẤN ĐỀ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
CỦA LĨNH VỰC KHOA HỌC TỰ NHIÊN
Trước khi tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến những lạm dụng [lí tính]
của chủ nghĩa duy khoa học, chúng ta cần hiểu cuộc đấu tranh mà bản thân
Khoa-Học đã phải tiến hành để chống lại những khái niệm và tư tưởng làm
tổn hại đến tiến bộ của nó ở mức độ giống như định kiến duy khoa học hiện
nay đang đe dọa sự phát triển của hoạt động nghiên cứu xã hội. Mặc dù
hiện tại chúng ta đang sống trong một môi trường mà những quan niệm và
thói quen suy nghĩ trong đời sống hằng ngày bị ảnh hưởng nhiều bởi những
suy nghĩ của Khoa-Học, nhưng chúng ta không được phép quên rằng các
ngành Khoa-Học khởi đầu cuộc tranh đấu tìm kiếm phương pháp luận cho
mình trong một thế giới mà hầu hết các khái niệm được hình thành từ mối
quan hệ giữa người với người và từ cách biện giải các hành động của con
người. Một lẽ khá tự nhiên là xung lượng mà Khoa-Học thu được trong
công cuộc đấu tranh đó lại đưa nó vượt quá ranh giới và tạo ra một tình thế
trái ngược mà ở đó mối nguy hiểm lại là ưu thế của chủ nghĩa duy khoa
học, làm cản trở bước tiến của nghiên cứu xã hội
. Nhưng ngay cả khi
con lắc đã hoàn toàn lắc theo hướng ngược lại, nó chỉ gây thêm nhầm lẫn
cho chúng ta trừ phi chúng ta nhận ra được những yếu tố đã tạo ra tâm thái
này và xem xét nó trong phạm vi thích hợp của nó.
Có ba cản trở chính ngăn cản sự tiến bộ của Khoa-Học hiện đại khiến nó
không ngừng tranh đấu kể từ lúc mới ra đời trong thời Phục hưng; và phần
lớn lịch sử quá trình phát triển của Khoa-Học được viết nên thông qua
những bước đi dần dần để vượt qua những khó khăn này. Cản trở thứ nhất,
dù không phải quan trọng nhất, là: vì rất nhiều lí do khác nhau, các học giả