áp dụng, trong khi các phương pháp khác vốn thích hợp với những hiện
tượng ít phức tạp hơn sẽ không còn phát huy tác dụng. Do đó, nếu như
trong ngành thiên văn học, phương pháp toán học và quan sát đơn thuần
chiếm vị trí chủ đạo thì trong vật lí và hóa học, thí nghiệm xuất hiện như là
một phương pháp hỗ trợ mới. Và nếu chúng ta tiếp tục xét lên cao hơn,
ngành sinh vật học sản sinh ra phương pháp so sánh và cuối cùng, ngành xã
hội học sản sinh ra “phương pháp lịch sử”, trong khi toán học và thí nghiệm
đến lượt mình không còn thích hợp nữa.
Còn một khía cạnh nữa trong hệ thống cấp bậc các ngành khoa học mà
chúng ta cần nhắc qua ở đây, vì nó liên quan đến những điểm mà ngay sau
đây chúng ta sẽ phải xem xét đến. Khi chúng ta đi theo hướng tăng dần trên
thang cấp bậc của các ngành khoa học, và các hiện tượng mà chúng nghiên
cứu ngày càng phức tạp lên, các ngành khoa học cũng dễ bị thay đổi hơn
bởi hành động của con người, đồng thời ít “hoàn thiện” hơn, và do đó cần
được cải thiện nhiều hơn dưới sự điều khiển của con người. Comte vô cùng
khinh ghét những ai ca tụng “sự thông thái của tự nhiên”, và ông chắc chắn
rằng một vài kĩ sư có năng lực tham gia vào việc hình thành một tổ chức để
thực hiện một công việc cụ thể nào đó nhất định sẽ làm tốt hơn [khi không
có tổ chức đó]. Và điều tương tự cũng tất yếu áp dụng với hiện tượng phức
tạp nhất, và do đó, ít hoàn thiện nhất trong tất cả các hiện tượng tự nhiên,
đó là xã hội loài người. Nghịch lí mà Comte không mảy may bận tâm là:
công cụ tư duy của con người, mà theo lí thuyết này là ít hoàn thiện nhất
trong tất cả các hiện tượng, lại đồng thời có sức mạnh duy nhất để kiểm
soát và cải tiến chính mình.