VII
Ở đây tôi sẽ không đi sâu tiếp vào một điểm giống nhau khác nữa, mà có
lẽ chỉ ở bề ngoài, giữa hai học thuyết của họ: đối với Comte, sự phát triển
tất yếu diễn ra theo quy luật ba giai đoạn nổi tiếng, trong khi đối với Hegel,
sự phát triển của tâm trí diễn ra theo một nhip điệu ba bước tương tự của
một quá trình biện chứng đi từ chính đề đến phản đề và hợp đề. Một thực tế
có ý nghĩa quan trọng hơn là: với cả hai người, lịch sử tiến đến một kết cục
đã được đinh trước, và có thể lí giải được nó dưới dạng thuyết cứu cánh
như là một kết quả nối tiếp của các mục đích đã đạt được.
Quyết định luận lịch sử của họ - mà theo đó, không chỉ các sự kiện lịch
sử đã được định đoạt bằng cách này hay cách khác, mà chúng ta còn có thể
nhận ra được vì sao chúng nhất định phải diễn ra theo một tiến trình cụ thể
nào đó - nhất thiết bao hàm thuyết định mệnh tuyệt đối: con người không
thể thay đổi tiến trình của lịch sử. Với Comte, ngay cả những cá nhân kiệt
xuất cũng chỉ là “các công cụ” hoặc “các bộ phận của một xu hướng tiền
định”, hay với Hegel, họ là Geschaftsfuhrer des Weltgeistes [những người
cai quản Tinh Thần Thế Giới], những người mà Lí-Trí sử dụng họ vì những
mục đích của chính nó.
Không có chỗ cho tự do trong một hệ thống như vậy: với Comte, tự do là
“sự khuất phục đầy lí tính trước sự thống trị của các quy luật tự nhiên”
- dĩ nhiên đấy là các quy luật tự nhiên của ông về sự phát triển tất yếu; đối
với Hegel, tự do là sự nhận thức được tính tất yếu
. Và vì cả hai đều
nắm giữ bí mật về “sự thống nhất trí tuệ cuối cùng và vĩnh viễn” mà Comte
cho là sự tiến hóa sẽ hướng đến, hay bí mật về “chân lí tuyệt đối” theo quan
niệm của Hegel, nên họ đều cho là mình có quyền dựng lên một nền chính
thống mới. Nhưng tôi phải thừa nhận là, ở khía cạnh này cũng như trên
nhiều khía canh khác, một Hegel rối rắm vẫn tự do phóng khoáng hơn rất