* * *
Xét trên khía cạnh đóng góp về mặt phương pháp luận thì Phần I của
cuốn sách là đáng chú ý và cũng “khó đọc” hơn cả. Trong phần này, ông
tổng hợp những ý tưởng về phương pháp luận của Carl Menger và Ludwig
von Mises, đưa thêm ý tưởng trung tâm của ông về sự phân hữu tri thức, để
hình thành phương pháp tiếp cận, mà theo ông là đúng đắn, cho các hiện
tượng xã hội.
Tương tự các nhà kinh tế học Áo tiền bối, đối với Hayek, hiện tượng xã
hội là kết quả của các hành động có ý thức của con người, các hành động
đòi hỏi người hành động phải lựa chọn giữa nhiều mục tiêu và phương tiện
mà anh ta có thể tiếp cận. Khi nói về các hiện tượng xã hội, chúng ta không
nói về các thuộc tính hay các mối quan hệ vật lí của các sự vật và con
người, về các phản xạ hoặc quá trình vô thức của con người, và về hành
động của những người mất trí. Cái mà chúng ta quan tâm là “tất cả những
thứ mà mọi người biết và tin tưởng về chính mình, về người khác, và về thế
giới xung quanh, tóm lại là tất cả những hiểu biết và niềm tin về tất cả
những gì quyết định hành động của con người, trong đó bao gồm cả bản
thân khoa học” (tr. 44). Điều này có nghĩa là hành động của con người dựa
trên bất kì niềm tin nào, dù phù hợp với khoa học hay không, chẳng hạn
việc lập đàn để cầu cho mùa màng tươi tốt do tin tưởng vào phép mầu của
tà thuật, đều cấu thành đối tượng của nghiên cứu xã hội.
Mặc dù hiện tượng xã hội gắn liền với hành động có ý thức của con
người nhưng Hayek lại cho rằng mục đích nghiên cứu của khoa học xã hội
không phải là giải thích hành động có ý thức. Đấy là nhiệm vụ của tâm lí
học. Mục đích của khoa học xã hội là “giải thích các kết quả không định
trước hoặc không được thiết kế từ trước nảy sinh từ hành động của nhiều
người” (tr. 45). Theo nghĩa này, khoa học xã hội không có nhiệm vụ tìm
kiếm các nguyên nhân nội tâm khiến một số người có hành vi ăn cắp còn
một số khác lại không. Tuy nhiên, nó sẽ quan tâm tới việc khám phá các
thiết chế xuất hiện để duy trì được trật tự xã hội khi có người ăn cắp.