thế giới xung quanh mình chứ không phải là các thuộc tính tự nhiên của các
sự vật. Khi nghiên cứu cái “búa” trong khoa học xã hội, chúng ta quan tâm
đến công dụng của nó theo quan điểm của người sử dụng nó chứ không
phải là các thuộc tính lí hoá của nó. Ông đúc kết: “Chừng nào chúng ta còn
quan tâm tới các hành động con người, thì các sự vật là những thứ mà
những người đang hành động nghĩ rằng chúng là như thế” (tr. 40- 41). Hơn
nữa, vì chúng ta quan tâm đến quan niệm của người hành động nên chúng
ta phải chấp nhận một sự thật là quan niệm của các cá nhân khác nhau về
cùng một sự vật có thể khác nhau. Chính những quan niệm và suy nghĩ
khác nhau của những cá nhân trong xã hội mới là thứ cấu thành đối tượng
nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội.
Để có thể nắm bắt được các hiện tượng mang tính chủ quan như thế,
Hayek chỉ ra rằng nhà nghiên cứu xã hội cần phải tiếp cận bằng phương
pháp nghiên cứu cá thể luận và phương pháp compozit. Phương pháp
nghiên cứu cá thể luận là cách tiếp cận dựa trên quan niệm cho rằng chúng
ta chỉ có thể hiểu được đúng đắn các hiện tượng xã hội thông qua việc tái
dựng các hiện tượng đó từ các hành động độc lập của các cá nhân cũng như
những thứ gắn với hành động cá nhân như niềm tin, thái độ, mong muốn, kì
vọng v.v. Đấy là những phần tử cơ bản mà chúng ta, những người nghiên
cứu, và những người hành động trong cuộc đều hiểu được vì con người có
cùng một cấu trúc tâm trí. Chúng ta tiến hành việc tái dựng các hiện tượng
xã hội bằng cách tìm ra các loại động cơ, niềm tin, hay thái độ đằng sau các
hành động cá nhân liên quan đến hiện tượng mà chúng ta muốn nghiên cứu,
coi chúng như là dữ liệu, rồi sau đó sắp xếp những dữ liệu này theo một hệ
thống mối quan hệ nhân quả nhất định để giải thích hiện tượng mà chúng
ta quan tâm. Quy trình nghiên cứu này được Hayek gọi là phương pháp
compozit. Để minh họa, ta có thể xem ví dụ đơn giản mà Hayek đưa ra về
hiện tượng hình thành những con đường mòn ở nông thôn (tr. 71-72). Việc
lí giải quá trình hình thành những con đường này bắt đầu bằng việc chỉ ra
hành động của các cá nhân trong việc thử nghiệm dò tìm các con đường
khác nhau để đạt mục đích di chuyển từ nơi này đến nơi kia. Sự khai phá