“Phải!” Sofia ném cho tôi ánh mắt thăm dò. “Cô đã sẵn sàng cho giai
đoạn hai trong bài thuyết trình của tôi chưa?”
“Đương nhiên, sao không chứ”, tôi nói, chuyển sang tư thế thoải mái hơn
trên ghế sô pha. “Biết đâu ít nhiều cái của khỉ này lại có trong bài thi
GED.”
“Chẳng hiểu sao tôi nghi ngờ điều đó!”, cô ta nở nụ cười nhăn nhó. “Ok,
thế này: Ký sinh trùng thì lại cần vật chủ sống đủ lâu để nó hoàn thành chu
kỳ sống của mình, bao gồm: phát triển, tái sinh, vân vân và vân vân. Ký
sinh trùng sử dụng vật chủ giống như môi trường sống hơn là một trạm
dừng chân. Ký sinh trùng cần trú ngụ và sử dụng tài nguyên của vật chủ,
nhưng”, cô ta dừng lại, “và đây là chữ ‘nhưng’ to đùng đấy: Nó cần vật chủ
còn sống. Nếu ký sinh trùng làm sao đó mà giết chết vật chủ trước khi nó -
ý là con ký sinh trùng ấy - hoàn thành chu kỳ sống của mình, thì coi như nó
thất bại. Sau khi kết thúc chu kỳ sống, nó có thể giết vật chủ nếu muốn,
nhưng trước đó thì không.”
“Giống như... sán sơ mít chăng?”, tôi hỏi lại.
“Tốt hơn chứ. Cô thấy đấy, với tôi thì rõ ràng loài ký sinh này có chu kỳ
sống rất dài. Dài hơn loài người, đó là lý do vì sao điều tốt nhất cho bản
thân nó là phải tái sinh vật chủ.” Cô ta giơ một tay lên. “Nhưng dĩ nhiên,
không phải với nguy cơ mạo hiểm sự sống của chính nó. Suy cho cùng thì
chúng ta đang nói đến loài ký sinh trùng, chứ không phải lòng từ thiện.”
Tôi ngồi thẳng dậy. “Ồ! Tôi hiểu rồi! Nó chữa lành khi vẫn còn não, và
nó để bọn tôi thối rữa khi hết não.”
Sofia vỗ tay. “Chính xác! Tái sinh khi vẫn còn thức ăn, và hy sinh vật
chủ - hay còn gọi là để cho thối rữa - khi nó đói.”
“Tuyệt quá”, tôi thở hắt ra. “Và thật ghê tởm.”
Marcus bật cười. “Được rồi, Sofia. Giờ nói với cô ấy về vụ mốc đi.”
Tôi cau mày nhìn anh. “Mốc á?”