Vào cuối năm 1967, SOG nhận được tin xấu về hoạt động của các điệp
viên. Chương ba lý giải sai lầm đã xảy ra như thế nào và đưa độc giả vào
thế giới thủ đoạn của điệp viên đôi, đánh lừa và trò chơi nghiệp vụ. Nhận ra
rằng mọi việc đang tồi tệ, SOG dự định tiến hành lừa lại miền Bắc. Đây là
một nỗ lực nghiêm túc để gỡ gạc lại từ thất bại đau đớn. Phần cuối của
chương ba trình bày những chi tiết sâu kín nhất của kế hoạch đánh lừa này.
Chương bốn mô tả chiến dịch chiến tranh tâm lý nhằm tác động vào giới
lãnh đạo và nhân dân Bắc Việt Nam. Điểm cốt lõi là dự định làm cho Hà
Nội tin rằng phong trào chống đối giả tạo - Phong trào gươm thiêng ái quốc
(viết tắt theo tiếng Anh là SSPL) - là có thật. Để làm được điều đó SOG tạo
ra đài phát thanh của SSPL hướng vào Bắc Việt Nam và rải tài liệu tuyên
truyền của SSPL. SOG còn tạo ra một vùng giải phóng giả, nơi những công
dân miền Bắc bị bắt cóc được đưa đến gặp gỡ lãnh đạo của SSPL và truyền
bá tư tưởng theo kịch bản chuẩn bị sẵn.
Các hoạt động chiến tranh tâm lý khác, như đài phát thanh giả, thư tâm lý
chiến, giấy tờ giả và các thủ đoạn bẩn thỉu tương tự, cũng được áp dụng để
khuếch đại ấn tượng của Hà Nội là họ đang có rất nhiều vấn đề an ninh. Đó
là hàng loạt các kỹ thuật chiến tranh tâm lý đầy ấn tượng. Tuy nhiên, nhược
điểm lớn nhất của cuộc chiến tranh tâm lý này không phải ở chỗ các biện
pháp được áp dụng mà ở mục đích được đề ra và những hạn chế do các nhà
vạch chính sách áp đặt. Phần cuối của chương sẽ làm rõ lý do tại sao lại như
vậy.
Phòng nghiệp vụ thứ ba của SOG tiến hành các hoạt động bí mật trên biển
dọc theo bờ biển Bắc Việt Nam. Trong những điệp vụ đầu tiên đề ra trong
OPLAN34A, hoạt động trên biển được tổng thống Johnson và Bộ trưởng
Quốc phòng Mc. Namara coi là có nhiều khả năng tạo ra tác động ngay và
lớn nhất đối với Hà Nội. Những hoạt động này bao gồm pháo kích bờ biển,
bắt giữ tù binh, ngăn chặn các thuyền bè, tập kích, phân phát hàng tâm lý
chiến và bắt cóc công dân Bắc Việt Nam để cho SSPL tuyên truyền.