- Chị gọi lũ bồ câu dai và to quá, - Tôi cười cười, nói - mà bọn chúng, rõ
ràng là vẫn không bay đến, khiến tôi bỗng dưng muốn bù đắp cho chị việc
chúng không tới nên tôi... tự mình bay đến ban công nhà chị xin thóc đây.
Mặt không hề biến sắc, Kachia nhìn tôi chằm chặp với một câu hỏi không
lời: anh ta muốn làm quen với mình hay muốn gây khó dễ? Phàn nàn vì hành
vi ảnh hưởng tới cộng đồng của mình hay sao? Mà quả là, thay vì cất lên một
áng văn đẹp đẽ sắc sảo thì tôi lại phát ngôn ra trích đoạn thô thiển, lủng củng
với phong cách của gã kỵ binh ngốc nghếch đầu thế kỷ XIX. Lẽ ra phải nói
gì đó, kiểu như: “Thưa tiểu thư, tôi những muốn trở thành tấm thảm dưới đôi
chân tuyệt diệu của nàng”... Phù! Một đám mây hổ thẹn lướt nhẹ qua mặt tôi,
không qua được mắt Kachia và tôi thấy ở thời đoạn ấy, nàng đã tha thứ cho
tôi. Nhưng với tính gan lì của gã ngốc đầu óc bị ám ảnh lắm thứ ý tưởng kỳ
quặc, tôi vẫn cứ cố đẩy trò ẩn dụ dở hơi của mình đến tận cùng. Tôi nói:
- Nhưng bởi khuyết thiếu đôi cánh, do “kẻ sinh ra để bò thì không bao giờ
bay được”
- tôi khoe chút am tường văn chương bằng cách trích dẫn những
sáng tác thời kỳ đầu của Maxim Gorki, - nên tôi quyết định hạ cánh nơi
ngưỡng cửa này.
6* Trích “Bài ca chim ưng” của M. Gorki.
Sự “cố đấm” vô dụng ngu ngốc của tôi một lần nữa lại được bỏ qua, tôi
thấy rõ điều đó. Hơn thế, Kachia còn mời:
- Mời anh vào nhà đi. Và xin anh thôi ngay diễn trò cổ điển ở cái nơi dân
cư nheo nhóc này của Moskva.
Tôi bước vào nhà, dập cửa lại.
- Anh đi dép vào,- Kachia nói,- mà không muốn thì không dép cũng được.
- Có sao đâu? Tôi sẽ đi dép. - tôi lầu bầu.
- Dép đi trong nhà của con trai tôi - nàng chặn trước những câu hỏi tiềm
ẩn chắc chắn sẽ được đặt ra sau đó, và bằng cách ấy phơi bày mọi chi tiết cần
biết trong câu chuyện. - Con trai tôi mười bốn tuổi. Nó đang ở chơi nhà bà ở
Taganrog. Nhà không còn đàn ông nào khác. Anh uống trà chứ?
Nghĩa là, nàng đã làm rõ tất cả mọi thắc mắc. Ngay lập tức tất cả! Thế
cũng có nghĩa là, tôi cũng phải thú nhật với tất cả sự cởi mở chi tiết đến cùng