Chiếc thứ nhất là kỳ hạm "Arabella" lẻ loi. Cơn bão trong khu vực quần
đảo Antilles Nhỏ đã tách thuyền trưởng Blood ra khỏi hải đội của mình.
Gió đông nam mùa ấy thổi từng cơn đã đưa "Arabella" đến eo Đầu Gió.
Blood đang vội trở về Tortuga, nơi gặp gỡ duy nhất của những người đi
biển lạc nhau.
Chiếc tàu thứ hai là chiếc galleon Tây Ban Nha đồ sộ "Milagrosa" cùng với
vị đô đốc thù dai Don Miguel. Chiếc frigate hậu bị "Hidalga" thì mai phục
ở bờ tây nam đảo Haiti.
Chiếc thứ ba và là chiếc cuối cùng trong những tàu mà chúng ta quan tâm
là một tàu chiến Anh. Ngày hôm ấy nó đang thả neo trong cảng St.
Nicholas của Pháp ở bờ tây bắc đảo Haiti. Nó đi từ Plymouth đến Jamaica
và chở theo một hành khách rất quan trọng - huân tước Julian Wade. Huân
tước Sunderland, một người họ với huân tước Wade, đã giao cho ngài một
nhiệm vụ khá quan trọng và khá tế nhị, liên quan trực tiếp đến các cuộc trao
đổi công hàm bày tỏ sự không hài lòng giữa Anh và Tây Ban Nha.
Triều đình Pháp cũng như Anh hết sức bực mình vì những hoạt động của
bọn cướp biển đã làm xấu thêm những quan hệ vốn đã căng thẳng với Tây
Ban Nha. Cố gắng một cách vô vọng nhằm chặn đứng các cuộc cướp phá
trên biển, hai chính phủ đòi thống đốc các thuộc địa của mình phải thẳng
tay hết sức với bọn cướp biển. Tuy nhiên, các thống đốc, như thống đốc
Tortuga, người đã vớ bẫm trong những vụ làm ăn lén lút với bọn cướp biển,
hoặc như thống đốc phần Haiti thuộc Pháp, đều cho rằng không nên tiêu
diệt bọn cướp biển, mà ngược lại phải khuyến khích chúng vì chúng đảm
nhiệm vai trò một lực lượng kìm hãm uy lực và tham vọng của Tây Ban
Nha. Vì lẽ đó, các thống đốc không ai bảo ai, đều cố tránh dùng đến những
biện pháp quyết liệt có khả năng buộc bọn cướp biển phải chuyển sang hoạt
động ở khu vực khác.
Cố gắng thực hiện yêu cầu cương quyết của vua James là bằng bất kỳ giá
nào cũng phải làm nguôi lòng Tây Ban Nha mà sự bất bình cực điểm của