tiến công hỉ xả vào đói nghèo. Nhưng máy móc vẫn là máy móc. Nó
chẳng thể thay thế được tri thức làm rừng. Một chủ trương từ trên
cao dội xuống: Bỏ máy móc! Tận dụng sức người! Con người sẽ
quyết định hết thảy! Hãy lấy phương châm Ruồng cốt đốt dọn
của ông bà làm khẩu hiệu hành động. Thế là máy móc được đổi
bằng xương máu từ một quốc gia xa xôi chuyển về đã thành đống
sắt vụn, xăng dầu thành chất đốt bỏ hoang giữa trời, của nả nhà
nghèo mà một đống đành theo khói bay đi và người thì tiếp tục
trồng ẩu, trồng lấy được, trồng bằng mọi cách để lấp đầy hiệp
định. Cả 50 ngàn héc ta đất ngả nghiêng, vỡ vụn. Cây không lớn. Lớn
rồi lại không có mủ. Rừng cây thành vô sinh. Cây rền rĩ, người than
khóc. Thiên hạ vỡ mộng đã lác đác bỏ về. Kẻ mới tới, thoáng thấy
cảnh tình cũng ngoắt lưng rùng mình trốn chạy. Đói rét, bệnh tật,
tăm tối, chết chóc… bắt đầu hoành hành. Cái các, cái xấu thừa
dịp nảy mầm ma quái như cỏ dại. Hy vọng đã thành tuyệt vọng. Cao
su đi dễ khó về… Câu ca cũ sao lại thổi buồn đến thế dọc suốt
các hàng lô. SOS! Cây cao su kêu cứu! Phận số con người kêu cứu!
Những chiếc xe sang trọng xịch đến rồi lại đi. Những chiếc
chuyên cơ từ Hà Nội bay vào cũng chỉ dừng lại ở trụ sở Công ty mươi
phút rồi cất cánh chìm lút vào mây trời. Chỉ còn lại rừng cây là vẫn
đứng im lìm, ngơ ngác. Ngơ ngác và khổ đau cả cái nhìn của con
người. Con người bỗng trở thành thủ phậm và nạn nhân chẳng đừng
của chủ thuyết duy lý đang gào thét vang rừng: Đánh Mỹ được thì
làm cái gì cũng được hết, huống chi là cái cây cao su vớ vẩn này!
Các đồng chí! Dàn hàng ngang tiến lên!
Nhưng cái sự dàn hàng ngang ấy không tiến lên được mà lại
dậm chân tại chỗ, lún sâu hơn. Hàng ngàn héc ta cao su èo uộc có khả
năng bị loại bỏ. Hàng trăm con người mới hôm qua còn được gọi là ưu
tú bây giờ cũng ngơ ngác đứng co cụm lại với nhau. Xao xác… Xao
xác… Lại xao xác, trống vắng đến rợn người như nỗi trống vắng
sau một trận đánh huỷ diệt cấp chiến lược năm nào.