22
CÓ DỄ PHẢI ĐẾN HƠN BA THÁNG VŨ NGUYÊN MỚI TẠM
dứt được công việc để về thăm gia đình. Nói đúng hơn là về thăm
con chứ trong anh từ đã lâu rồi làm gì còn có khái niệm về một gia
đình nữa. Nặng nề lắm. Mệt mỏi lắm. Có lẽ anh sẽ vẫn còn lần lữa
nếu như ông già Thái không làu bàu một câu mà không quen nghe
thì không chịu nổi: “Ông tính làm để chết hay để sống? Đêm nào
ông cũng chong đèn đến hai, ba giờ sáng là nghĩ làm sao? Ông tưởng
không có ông thì cách mạng đi xuống chắc? Gớm! Ông thử soi vào
gương xem cái mặt ông có gớm không kìa. Hom hem cứ như ông bố
già của cái ông giám đốc độ mới về. Bệnh đầy người, thuốc y tế
phát cho cũng chẳng chịu uống. Ông muốn chết hay thích một
ngày nào đó người ta đưa ông đi bệnh viện? Nghỉ đi ông ạ! Về với
thằng nhỏ chút đi! Mấy lần nó gọi điện đến, ông toàn đi vắng,
hỏi có nhắn gì bố không, nó không trả lời, cúp máy. Cả như tôi, tôi
không có gia đình, tôi ở lại đã đành, còn ông… phì!”
Đã nói với nhau đến nước ấy thì chẳng có lý do gì mà nấn ná
nữa. Một ký hạt tiêu, một ký bột sắn, năm ký khoai lang, đó là quà
của con người đó bắt anh đem về cho con, còn bảo: “Để cho thằng
nhỏ nó nhớ đời ông già nó sinh ra, lớn lên ở đâu, lơ mơ là nó quên ráo
trọi”.
Gia đình anh lúc đó còn tá túc ở thành phố chứ chưa chuyển về
vùng bán sơn địa chỗ anh ở như sau này. Một gian nhà tập thể có hai
phòng 15 thước vuông trong một căn hẻm nhỏ, đồ đạc chưa có gì
ngoài một chiếc ti vi cho bà vợ xem tối và chiếc xe máy 50 phân
khối mua rẻ lại được của một người quen cho thằng bé sáng đi học.
Trưa. Không có ai ở nhà. Cửa khoá trái. Nắng trát vào bức tường
loang lổ. Ngồi xuống bậc cửa chờ. Hôm kia anh đã điện về, thằng