- Cám ơn chị, tôi ra phố đón cháu.
Phố xá giờ cao điểm toàn thấy bánh xe, không thấy mặt đường.
Những sinh vật người ngược xuôi ngang dọc, lo toan, day dứt, hỉ hả,
hứng khởi, càu cạu, mồ hôi, nhăn nhó, toét cười… kia đang trôi đi
đâu thế nhỉ? Một cuộc sống thẳng căng, cuồng nộ để rồi điểm
cuối của nó là gì nhỉ? Ôi những con vi khuẩn đực, vi khuẩn cái đang
cõng trên lưng mình một sức nặng kinh khủng gọi là linh hồn…
Kiếm một quán cà phê khuất trong vòm me bên đường, anh ngồi
nhìn về phía ngã tư, nơi thằng bé sẽ xuất hiện. Đẻ thiếu tháng,
nặng có hai cân bảy, nằm đỏ hỏn trên tay bà đỡ chỉ thấy mồm
không thấy người, còi cọc suốt tuổi thiếu niên, đến năm 14 mới
nhấc cao lên được một chút. Bố chất độc đầy người, mẹ riết róng
cho đến tận lúc vỡ ối, nó không thiếu chân thiếu tay, không lông
lá bê bết là may rồi. Chỉ phải cái học không giỏi. Chăm mà không
giỏi thì rõ ràng cái di chứng hoá học ở rừng chất cũng phần nào
nhuốm vào nó. Nhưng cái ánh buồn trong đáy sâu mắt nó lại là tội
của kẻ sinh ra. Mười bảy tuổi đầu đi qua hơn 17 lá đơn ly hôn, đi qua
một trăm bảy mươi lần những cuộc cãi vã và gấp mười như thế
những ngày không có bố. Lỗi tại anh. Đắng lòng, đắng cà phê, hai
cái đắng đụng nhau sao không thành cái ngọt…
Thằng bé kia rồi! Kính cận, khổ thân nó bị cận từ hồi nhỏ, áo
trắng quần xanh, đăm chiêu trước tuổi, ngồi xe máy mà chậm hơn
kẻ xe đạp, giống anh một cách kinh khủng như một lần Hà Thương
nhận xét. Há mồm định gọi lại thôi. Đằng nào nó cũng về nhà.
Tính nó không ồn ào. Không thích để lộ tình cảm ra ngoài nhất là
lại ở giữa đường giữa phố, dẫu rằng anh biết nó rất yêu anh, yêu
thầm lặng, thậm chí tôn thờ anh.
… Suốt ba ngày bà vợ không về và vì thế cũng là ba ngày ngập
tràn hạnh phúc đối với anh. Sáng con đi học thì bố nhẩn nha đi
thăm bạn bè, trưa về đã có cơm hợp khẩu vị do bố tự tay đi chợ, tự