vào xách về. Cũng chẳng được bao nhiêu – Anh ta thở dài như bà già
– Cắp trộm khốn khổ vậy, mỗi ngày đổ cho con buôn may lắm
cũng chỉ đủ tiền mua thêm nửa lon gạo, mớ rau về cho con.
- Nhưng cả ngàn người, người nào cũng lon gạo, mớ rau như thế,
của nả nông trường sẽ tổn hao bao nhiêu?
- Dạ… Nhưng cái hao nó nằm ở chỗ dân tự do vào cạo phá kia. Họ
ào vào hàng chục người, có đận lên tới hàng trăm giặc càn. Họ băm
chặt vào thân cây không thương xót bằng đủ các loại phương tiện
miễn sao cho tứa ra được nhiều mủ nhất trong khi chị em mình
phải nâng niu, tỉa tót từng dăm mảnh như sợi tóc một. Nói đùa, sáng
ra nhìn thân cây bị phạt đi những mảng trắng hếu như thịt người
mà… ứa nước mắt. Cây nào bị băm chặt như thế đến lần thứ hai
coi như chết hẳn.
- Tôi đã nhìn thấy nhưng chỗ mủ ăn cắp ấy họ phải có chỗ tiêu
thụ chứ?
- Có chứ ạ! Ráo chọi tập trung vào một mối, đó là chỗ thằng
Tuấn mệnh danh là Tuấn tử thần. Bao nhiêu nó cũng mua hết,
mua giá rẻ như ăn cướp rồi dùng xe chở đi bán cho các cơ sở chế
biến với giá cắt cổ.
- Ai cũng biết mà cả bốn đời giám đốc, cả ông bảo vệ tồn tại
suốt bốn đời vẫn không có cách nào triệt được nó, vẫn chỉ ngồi ứa
nước mắt thôi à?
- Chịu ạ! Nó ăn sâu lắm rồi, ăn cả vào nông trường, vào cả chính
quyền, công an xã nên biết đấy mà đành chịu đấy. Đã có lần
một ông giám đốc của mình định làm căng, định dùng luật pháp trị
hắn, chỉ hai ngày sau, cả nhà ông ấy bị cháy rụi mà chịu không tìm
được nguyên do, hay người ta sợ vạ cũng chẳng chịu tìm…