nào đó, bệnh tật chẳng hạn, thì khả năng phản ứng chuẩn để duy trì sự sống bị
suy yếu ngay. Tất nhiên, ai cũng hiểu là một người bị điếc, mắt yếu, hoặc tay
chân bị thương, thì cơ hội tiếp tục tồn tại của hắn giảm xuống. Nhưng không chỉ
thế. Nếu bộ não - thứ điều khiển “cỗ máy” cơ thể - có khiếm khuyết, nó sẽ phản
ứng sai lệch với các kích thích môi trường và đưa cơ thể lao xuống vực thẳm tự
hủy hoại. Những thực thể nhạy cảm và biết quan sát, có các giác quan tốt, biết tư
duy để phản ứng chính xác với các kích thích môi trường luôn thay đổi sẽ có thể
tránh được các hiểm họa mà người thường khó có thể nhận thức ngay được. Khi
hắn tiếp xúc với những người có các cơ quan kiểm soát bị lỗi nặng, giác quan
chuẩn của hắn lên tiếng và hắn bắt đầu cảm thấy cơn đau “triền miên bất tận.”
Chân lý này đã được khẳng định từ hàng trăm lần tiếp xúc, thảo luận của tôi
và các nhà nghiên cứu tự nhiên. Tôi tin rằng thông qua những nỗ lực có hệ thống,
thì ta sẽ tìm ra được những hiểu biết có giá trị vô cùng cho thế giới. Ý tưởng xây
dựng máy tự động để khẳng định lý thuyết của tôi đã sớm hiện diện trước mắt tôi,
nhưng đến năm 1895 tôi mới bắt đầu tập trung làm. Lúc đó tôi đang nghiên cứu
về vô tuyến. Trong hai ba năm liên tục, một số cơ chế tự động kích hoạt từ xa đã
ra đời và được trưng bày cho du khách trong phòng thí nghiệm của tôi. Năm
1896, tôi đã làm xong một cỗ máy hoàn chỉnh có khả năng thực hiện đa nhiệm
vụ, nhưng do lao lực, tôi bị giảm sút sức lao động đến cuối năm 1897. Máy này
được minh họa và mô tả trong bài viết của tôi trên tạp chí Century tháng 6/1900
cùng một số tập san khác thời đó. Khi lần đầu tiên được trình làng đầu năm 1898,
nó đã tạo ra một cảm giác rất lạ, không như phát minh khác tôi từng có. Tháng
11/1898, tôi được cấp bằng sáng chế cơ bản cho kỹ nghệ mới. Họ chỉ cấp bằng
cho tôi sau khi khảo sát viên chính đích thân đến New York để xem máy hoạt
động, bởi những gì tôi tuyên bố quá là khó tin.